NATO thông qua NMD và khái niệm Chiến lược mới

Ngày 19/11, Hội nghị NATO đã đạt đồng thuận về Khái niệm Chiến lược mới và Kế hoạch thành lập NMD trên phạm vi toàn châu Âu.

Khái niệm Chiến lược mới được thông qua nhằm thay thế một văn bản tương tự được soạn thảo năm 1999 và được NATO coi là "lộ trình hành động" của tổ chức này trong 10 năm tới.

Ngày 19/11, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Lisbon ( Bồ Đào Nha) đã đạt đồng thuận về một số nội dung chính trong chương trình nghị sự, bao gồm Khái niệm Chiến lược mới và Kế hoạch thành lập hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) trên phạm vi toàn châu Âu.

Khái niệm Chiến lược mới được thông qua nhằm thay thế một văn bản tương tự được soạn thảo năm 1999 và được NATO coi là "lộ trình hành động" của tổ chức này trong 10 năm tới.

Khái niệm Chiến lược mới vạch ra những nguyên tắc định hướng để NATO đối phó với những thách thức trong thế kỷ 21, trong đó có việc hiện đại hóa khả năng của NATO để thực hiện sứ mệnh chủ chốt là phòng thủ tập thể, bảo vệ các nước thành viên trước nguy cơ tấn công hạt nhân và những mối đe dọa mới như an ninh mạng và tấn công khủng bố.

Văn bản khẳng định lại cam kết của NATO trong việc ngăn chặn và giải quyết khủng hoảng, phối hợp chặt chẽ hơn với các đối tác quốc tế gồm Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu; cam kết hướng tới một thế giới phi hạt nhân, song nhấn mạnh chừng nào vũ khí này vẫn còn tồn tại, NATO vẫn là một liên minh được trang bị hạt nhân.

Văn bản tái khẳng định cam kết tiếp tục đàm phán với những nước muốn gia nhập NATO như Grudia và Ucraina; nhấn mạnh những lợi ích an ninh chung với Nga và cam kết mở rộng hợp tác với Mátxcơva trong các lĩnh vực như phòng thủ tên lửa, chống khủng bố, buôn bán ma túy, cướp biển và thúc đẩy an ninh quốc tế.

Trong văn bản trên, ngoài cam kết không ngừng cải tổ NATO thành một liên minh hoạt động "hiệu quả, đầy đủ và linh hoạt," các nhà lãnh đạo cũng khẳng định tăng cường tối đa khả năng triển khai các lực lượng vũ trang nội khối và hợp tác trong việc hoạch định kế hoạch phòng thủ nhằm sử dụng tốt nhất các nguồn lực.

Về vấn đề NMD, Tổng thống Mỹ Barak Obama và các đồng minh NATO đã nhất trí thành lập lá chắn phòng thủ chống tên lửa mới trên phạm vi toàn châu Âu và mời Nga tham gia. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen bày tỏ hy vọng Nga sẽ cùng NATO nghiên cứu khả năng tham gia kế hoạch này.

Trước thềm hội nghị, Nga tỏ ý muốn chia sẻ một số ý tưởng về hệ thống phòng thủ chống tên lửa chung, song bác bỏ khả năng đưa ra một quyết định quan trọng liên quan an ninh của châu lục vào thời điểm hiện nay.

Về sự can dự của NATO tại Afghanistan, ông Rasmussen cho biết NATO sẽ bắt đầu chuyển giao quyền kiểm soát an ninh tại Afghanistan cho các lực lượng địa phương trong năm 2011 nhằm chấm dứt vai trò chiến đấu của lực lượng nước ngoài tại đây vào cuối năm 2014. Ông cho rằng mục tiêu trên là thực tế và sẽ tạo điều kiện để lực lượng NATO tập trung vào nhiệm vụ huấn luyện các lực an ninh Afghanistan.

Tuy nhiên, nhiều quan chức NATO và Mỹ nghi ngờ khả năng thực hiện được thời hạn chót 2014 do lo ngại các hoạt động ngày càng gia tăng của lực lượng Taliban có thể làm suy yếu chính phủ Afghanistan.

Bên lề hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama và Tổng Thư ký NATO Rasmussen đã hối thúc Thượng viện Mỹ trong năm nay thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) đã ký với Nga hồi tháng 4 vừa qua.

Ông Rasmussen cho biết các nhà lãnh đạo NATO hy vọng START mới sẽ giúp tăng cường sức mạnh của NATO và an ninh ở châu Âu. Theo ông, việc trì hoãn thông qua START mới sẽ đe dọa an ninh ở châu lục này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục