NATO vẫn bất đồng về chiến dịch không kích Libya

Mỹ và nhiều nước thành viên khác trong NATO đã khước từ đề nghị đóng góp thêm máy bay của Anh, Pháp đưa ra một ngày trước đó.
Ngày 14/4, Mỹ và nhiều nước thành viên khác trong NATO đã khước từ đề nghị của Anh, Pháp đưa ra một ngày trước đó hối thúc các đồng minh giữ vai trò lớn hơn và đóng góp thêm máy bay cho việc thực thi chiến dịch quân sự tại Libya.

Tuyên bố chung của cuộc họp ngoại trưởng NATO tại Berlin (Đức) đã yêu cầu nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi từ chức và khẳng định tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào lực lượng của ông Gaddafi chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, tuyên bố đã không đưa ra được những cam kết chắc chắn trong việc bổ sung thêm máy bay mới để hoàn thành sứ mệnh ở Libya.

Tư lệnh tối cao NATO, Đô đốc James Stavridis cho biết NATO thiếu khoảng 10 máy bay tiêm kích và cần thêm các máy bay trang bị vũ khí chính xác để tấn công mục tiêu trong các khu đô thị, song đến nay vẫn chưa nhận được một cam kết cụ thể nào về việc đóng góp này.

Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton không đề cập đến khả năng Mỹ sẽ chấp nhận trở lại với vai trò chính trong cuộc chiến này, mà chỉ cho biết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ sứ mệnh của NATO ở Libya cho tới khi nhiệm vụ này hoàn tất.

Sau cuộc hội đàm với bà Clinton, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe thừa nhận Mỹ không có ý định xem xét lại vai trò của mình trong cuộc chiến tại Libya, mặc dù Pháp đã chính thức đề nghị điều này. Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ vì NATO đang thực hiện tốt vai trò của mình.

Ngoài Mỹ, Pháp còn kêu gọi Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan và Thụy Điển tăng cường hỗ trợ cho chiến dịch quân sự ở Libya, tuy nhiên đa số không tán thành. Tây Ban Nha khẳng định không có kế hoạch tham gia liên quân ở Libya. Italia tuyên bố cần thêm lý do thuyết phục hơn để tăng trách nhiệm của mình trong cuộc chiến này.

Chỉ có 6 trong tổng số 28 nước thành viên NATO đang tiến hành các cuộc không kích tại Libya, trong đó một nửa là do quân đội Pháp và Anh thực hiện. Các cuộc không kích của liên quân gần một tháng qua vẫn chưa đem lại sự thay đổi cán cân sức mạnh tại Libya.

Đối với vấn đề trang bị vũ khí cho phe đối lập Libya, một quan chức Mỹ tiết lộ NATO cũng nảy sinh bất đồng. Ngoại trưởng Đan Mạch cho biết quốc hội nước này đã bác bỏ việc Đan Mạch cung cấp vũ khí cho phe đối lập Libya.

Tiểu vương Hamad bin Khalifa al-Thani đã tuyên bố công khai trên kênh truyền hình CNN của Mỹ rằng Qatar sẵn sàng trang bị vũ khí cho lực lượng chống Chính phủ Libya khi được yêu cầu. Qatar là quốc gia Arập duy nhất tham chiến tại Libya.

Tại Libya, chiến sự vẫn diễn ra quyết liệt tại thành phố Misrata. Lực lượng chống chính phủ tuyên bố ít nhất 13 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương trong ngày 14/4. Một phóng viên AFP có mặt tại Misrata cho biết đã nghe tiếng máy bay của NATO trên bầu trời Misrata vào đêm 14/4.

Trong khi đó, kênh truyền hình Al-Libiya đưa tin các máy bay của NATO ngày 14/4 đã không kích các mục tiêu ở thủ đô Tripoli và đã có dân thường bị thương vong.

Cùng ngày, một chiếc phà của Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) đã cập cảng thành phố Misrata để sơ tán khoảng 800 công dân nước ngoài và giao hàng cứu trợ nhân đạo. Trước đó, hai chiếc thuyền khác của IOM đã tới Misrata để sơ tán khoảng 2.000 người.

Theo ước tính, hiện có khoảng 6.500 người nước ngoài đang mắc kẹt tại Misrata, trong đó có hơn 4.000 công dân Ai Cập. Tuy nhiên, Chính phủ Libya cho biết hải cảng ở Misrata, cửa ngõ duy nhất để lực lượng đối lập tiếp cận với thế giới bên ngoài, là khu vực nguy hiểm và bất cứ chiếc tàu nào muốn cập cảng này phải được sự chấp thuận của chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục