Nền chính trị châu Âu có phải đang chuyển dần sang một kỷ nguyên mới?

Trong tương lai, một Nghị viện châu Âu (EP) chia rẽ, phân tán và đa dạng muốn đạt được sự đồng thuận sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và sẽ có rất nhiều tranh cãi và trắc trở.
Nền chính trị châu Âu có phải đang chuyển dần sang một kỷ nguyên mới? ảnh 1(Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng Quốc tế (Trung Quốc) mới đây đã đăng bài viết của tác giả Ngô Chính Long - nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Quỹ nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc - cho rằng trong tương lai, một Nghị viện châu Âu (EP) chia rẽ, phân tán và đa dạng muốn đạt được sự đồng thuận sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và sẽ có rất nhiều tranh cãi và trắc trở.

Mặt khác, cuộc bầu cử EP lần này cũng là một "cuộc trưng cầu dân ý" về khả năng cầm quyền của chính phủ các nước thành viên, dẫn đến các hiệu ứng liên đới, khả năng tác động đến tình hình chính trị của các nước thành viên là không thể xem thường.

Cuộc bầu cử EP vừa kết thúc đã tạo ra một hệ sinh thái chính trị mới, gây ra những chấn động chính trị chưa từng có và sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình nhất thể hóa châu Âu trong tương lai.

Các chính đảng truyền thống suy yếu. Kể từ cuộc bầu cử EP năm 1979 đến nay, các đảng Nhân dân trung hữu và đảng Dân chủ xã hội trung tả truyền thống lần đầu tiên đã không còn giữ được đa số ghế trong nghị viện.

Mặc dù hai nhóm đảng này mất nhiều ghế, họ vẫn duy trì vị thế của các nhóm đảng lớn thứ nhất và thứ hai trong nghị viện.

Do các chính đảng Tự do thân châu Âu có được sự ủng hộ của các chính đảng truyền thống và sự gia nhập của đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lãnh đạo, đảng Liên minh dân chủ tự do châu Âu sẽ nhảy vọt thành đảng lớn thứ ba.

Dưới sự trợ giúp của làn sóng bảo vệ môi trường đang lan rộng khắp châu Âu, đảng Xanh tạm thời được ủng hộ. Cho dù ở Đức, Anh và Pháp, hay là ở Áo, Cộng hòa Ireland và Hà Lan, đảng Xanh đều hoạt động tốt.

Đảng Xanh/Liên minh tự do châu Âu (Verts/ALE) đã trở thành nhóm đảng lớn thứ tư trong EP.

[Tương quan chính trị của EU sau bầu cử Nghị viện châu Âu]

Tỷ lệ giành phiếu của các chính đảng dân túy cực hữu đã tăng lên, nhưng lại không tạo ra một "cơn bão chính trị" như dự đoán.

Theo thống kê, các chính đảng dân túy cực hữu đã nhận được tổng cộng khoảng 1/3 số ghế, nằm rải rác trong 4 nhóm đảng nhỏ khác nhau và trở thành một lực lượng quan trọng phản đối nhập cư, phản đối Hồi giáo và phản đối EU trong EP, cải cách EU từ trong nội bộ và chi phối xu hướng chính sách của khu vực này.

Kết quả bầu cử EP lần này sẽ làm thay đổi các chương trình nghị sự của nghị viện. Trong tương lai, nếu các nhóm đảng Nhân dân và nhóm đảng Dân chủ Xã hội muốn thông qua dự luật nghị viện, họ phải đạt được sự đồng thuận với các nhóm đảng khác.

Các nhóm đảng Nhân dân và đảng Dân chủ Xã hội rất có thể liên minh với nhóm đảng lớn thứ ba hoặc thứ tư. Nếu liên minh với nhóm đảng lớn thứ ba thì có thể chiếm gần 60% số ghế.

Nếu liên minh với nhóm đảng lớn thứ tư thì có thể chiếm hơn một nửa số ghế. Trong trường hợp đặc biệt, không loại trừ vẫn cần sự tham gia của các nhóm đảng khác.

Tóm lại, một EP bị chia rẽ, phân tán và đa nguyên hóa muốn đạt được sự đồng thuận sẽ có rất nhiều tranh cãi và trắc trở.

Hy Lạp trở thành nước thành viên EU đầu tiên buộc phải tuyên bố tổ chức tổng tuyển cử sớm sau cuộc bầu cử EP.

Kể từ khi Liên minh cánh tả cấp tiến của đảng cầm quyền Hy Lạp tụt lại sau phe đối lập và đảng Dân chủ mới thuộc phe trung hữu trong cuộc bầu cử EP, Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 6.

Trước đó, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Andrea Nahles đã tuyên bố từ chức chủ tịch SPD và chủ tịch đảng đoàn SPD ở Quốc hội.

Theo báo cáo, nguyên nhân chính khiến Nahles từ chức là do đảng SPD đã thua trong cuộc bầu cử EP và cuộc bầu cử Nghị viện ở bang Bremen.

Bà Nahles khuyến khích đảng SPD "phục hồi" khi đối mặt với nghịch cảnh và sử dụng "những ý tưởng mới để thuyết phục cử tri."

Các lãnh đạo cấp cao của SPD sẽ sắp xếp lại nhân sự, đảng này có thể sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền được thành lập bởi đảng liên minh của Thủ tướng Merkel.

Liên minh đảng cực hữu do Phó thủ tướng Italy Matteo Salvini lãnh đạo đã giành chiến thắng với số phiếu cao nhất, gần 40%.

Các nhà quan sát cho rằng kết quả bầu cử vừa qua có thể giúp Salvini - người đã nhiều lần tuyên bố sẽ không rút khỏi liên minh cầm quyền - gia tăng khả năng tiếp tục cầm quyền.

Đối với ông, nếu tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào thời điểm này thì có thể giành quyền kiểm soát lớn hơn tại nghị viện.

Đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) tại Pháp đã giành được vị trí cao nhất, trong khi đảng Nền Cộng hòa Tiến bước của Tổng thống Macron đứng thứ hai.

Trước những tin đồn liên quan đến Thủ tướng Philippe chuẩn bị sẵn sàng tâm lý ra đi sau thất bại trong cuộc bầu cử, Macron đã lên tiếng phủ nhận, tuyên bố rằng chính sách hiện nay sẽ không thay đổi và Thủ tướng đương nhiên vẫn sẽ giữ nguyên chức vụ.

Có thể thấy trong thời gian tới, lấy cuộc bầu cử EP làm tiêu chí, một châu Âu quen thuộc đã rời xa và nền chính trị châu Âu sẽ bước sang một kỷ nguyên mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục