Nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái - Vấn đề lớn của Tổng thống Trump

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu “đuối” từ giữa năm 2019 và có thể rơi vào suy thoái vào năm 2020 khi Mỹ tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống.
Nền kinh tế Mỹ có thể suy thoái - Vấn đề lớn của Tổng thống Trump ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: intheblack.com)

Theo bài viết trên Washington Post, hầu hết các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu “đuối” từ giữa năm 2019 và có thể rơi vào suy thoái vào năm 2020 khi Mỹ tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống.

Đối với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và đảng Cộng hòa của ông, nền kinh tế đóng vai trò là lực đẩy quan trọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, thế nhưng nó có thể sẽ là lực cản trong cuộc bầu cử sắp tới.

Hiện nay, ngày càng có nhiều dự đoán tiêu cực về viễn cảnh của nền kinh tế Mỹ với hơn 1/3 các nhà dự đoán hàng đầu về kinh tế cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu suy thoái vào năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng có rất nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển nền kinh tế Mỹ, trong đó có chi phí vay cao, đồng đô la mạnh, nền kinh tế toàn cầu suy yếu, cuộc chiến thuế quan leo thang, và những gói kích thích tài chính như cắt giảm thuế không còn phát huy tác dụng thúc đẩy sự bùng nổ trong đầu tư kinh doanh, thị trường nhà đất cũng chậm lại với số lượng người mua ít đi, cùng với việc tăng các khoản chi tiêu của chính phủ.

Để đối mặt với thách thức này, Tổng thống Trump hoặc sẽ phải đưa ra các biện pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại hoặc sẽ đổ lỗi cho đảng Dân chủ hay một ai đó như cách ông vừa thể hiện khi thị trường chứng khoán có phiên giao dịch sụt giảm hồi đầu tuần trước với chỉ số Dow Johns giảm tới 600 điểm.


[Giới chuyên gia dự báo nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái từ 2019]

Hiện các nhà lãnh đạo kinh doanh và các nhà đầu tư phố Wall mong muốn chính quyền Tổng thống Trump đưa ra một giải pháp nhanh chóng cho cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và một dự luật về cơ sở hạ tầng nhằm thu hút thêm vốn thúc đẩy nền kinh tế vào cuối năm nay, đồng thời hy vọng Tổng thống Trump sẽ đưa ra các lực đẩy nền kinh tế vào năm 2019.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này Tổng thống Trump vẫn “án binh bất động” và tập trung đổ lỗi cho bà Nancy Pelosi, người có khả năng trở thành Chủ tịch Hạ viện sau bầu cử giữa kỳ, khiến chương trình nghị sự của ông bị trì trệ hay Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome H.Powell tăng lãi suất quá nhanh gây ảnh hưởng tới sự tăng trưởng kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế thường đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, mặc dù giúp nền kinh tế Mỹ “lột xác” ngoạn mục với những thành tựu nổi bật, như tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thấp nghiệp đạt mức thấp nhất trong gần 50 năm qua, bình quân thu nhập đầu người (GDP) tăng 3,5% trong quý III năm 2018, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, tiền lương của người lao động tăng và thị trường chứng khoán cũng tăng trong bối cảnh lợi nhuận của các công ty tăng vọt.

Tuy nhiên, thành tích đó cũng chỉ giúp đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump duy trì được quyền kiểm soát Thượng viện. Chính vì vậy, Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong cuộc tái tranh cử vào Nhà Trắng năm 2020 trong bối cảnh nền kinh tế được dự đoán sẽ rơi vào suy thoái bởi điều đó đủ để khiến các cử tri phải suy nghĩ khi bỏ phiếu, đặc biệt là nhóm cử tri phụ nữ ở những vùng nông thôn - nhóm mà đảng Cộng hòa không giành được sự ủng hộ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.

Nhìn lại lịch sử, sự thất bại trong cuộc tái tranh cử của Tổng thống George H.W.Bush năm 1992 là một ví dụ điển hình do nền kinh tế bắt đầu suy thoái vào cuối năm 1990 và đầu năm 1991.

Tuy nhiên, các cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump vẫn tin tưởng mạnh mẽ về khả năng tái đắc cử của ông với nền kinh tế theo Nhà Trắng dự báo là tăng trưởng ở mức 3% trong những năm tới, trái ngược với dự đoán của các nhà dự báo kinh tế độc lập.

Bên cạnh đó, họ cũng cho thấy sự lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc khi Tổng thống Trump sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Argentina, cũng như các thỏa thuận khác với các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội, trong đó có dự luật về cơ sở Hạ tầng.

Ông Stephen Moore, cố vấn kinh tế cho chiến dịch của Tổng thống Trump nhận định: “Nếu Tổng thống Trump có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc với các nhượng bộ thực sự, tôi nghĩ các bạn sẽ thấy thị trường tăng trưởng ở mức độ cao và nền kinh tế sẽ phát triển. Tất cả những ai cho rằng nền kinh tế không thể tiếp tục phát triển cho tới năm 2020 sẽ phải hối tiếc vì nhận định đó.”

Theo ông Greg Valliere, chiến lược gia phụ trách thị trường toàn cầu của Horizon Investments, hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán về một cuộc suy thoái bởi với tỉ lệ thất nghiệp thấp, tiền lương tăng cao cùng với sự lạc quan của người dân về tình hình tài chính của họ có khả năng giúp nền kinh tế Mỹ tránh được sự suy thoái. Nếu tái tranh cử, Tổng thống Trump sẽ có nhiều sự lựa chọn để có được nền kinh tế mạnh mẽ hơn.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Trump nhận ra rằng chính sách cắt giảm thuế của ông không đủ hấp dẫn với cử tri và ông đã chuyển hướng tập trung về những vấn đề như nhập cư và văn hóa trong những tuần cuối cùng trước bầu cử, một chiến dịch mà ông có thể áp dụng vào năm 2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục