Nền kinh tế Sri Lanka suy giảm ở mức kỷ lục 7,8% trong năm 2022

Theo Cơ quan thống kê Sri Lanka, đây là hậu quả của tình trạng khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, mất điện thường xuyên, khan hiếm nhiên liệu, nguyên liệu thô và ngoại tệ.
Nền kinh tế Sri Lanka suy giảm ở mức kỷ lục 7,8% trong năm 2022 ảnh 1Bệnh nhân chờ được khám bệnh tại một bệnh viện ở Colombo, Sri Lanka, trong thời gian diễn ra đình công ngày 15/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo dữ liệu chính thức được công bố ngày 16/3, nền kinh tế Sri Lanka đã suy giảm ở mức kỷ lục 7,8% trong năm 2022 trong bối cảnh nước này khan hiếm nhiên liệu trầm trọng và thiếu điện kéo dài làm gián đoạn thương mại nội địa.

Cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ đã kéo theo các vụ biểu tình quy mô lớn tại đảo quốc này.

Đỉnh điểm là vào tháng 7/2022, người biểu tình tấn công dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, buộc ông phải ra nước ngoài lánh nạn và sau đó từ chức.

Chính phủ mới tại Sri Lanka đã tìm cách vực dậy lĩnh vực tài chính công đang gặp khó khăn và đàm phán để nhận được gói cứu trợ tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Năm 2022 là năm kinh tế Sri Lanka suy giảm mạnh nhất trong 75 năm kể từ khi giành độc lập. Năm 2021, nền kinh tế nước này tăng trưởng 3,5% sau khi suy giảm 4,6% trong năm 2020 khi đại dịch COVID-19 hoành hành.

Cơ quan thống kê và điều tra dân số Sri Lanka cho rằng đây là hậu quả của tình trạng khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, mất điện thường xuyên, khan hiếm nhiên liệu, nguyên liệu thô và ngoại tệ.

[Sri Lanka: Hàng nghìn người đình công phản đối tăng thuế và giá điện]

Tuy nhiên, các dữ liệu mới cũng phản ánh một số cải thiện về tình hình tài khóa của Sri Lanka, theo đó lạm phát giảm từ mức cao kỷ lục 69,8% trong tháng 9/2022 xuống còn khoảng 50% trong tháng 2/2023.

Tổng thống đương nhiệm Ranil Wickremesinghe đã cho triển khai các biện pháp tăng thuế và cắt các khoản trợ cấp điện và nhiên liệu, nhằm tăng nguồn thu ngân sách công sau khi chính quyền tiền nhiệm mất khả năng thanh toán khoản nợ nước ngoài lên đến 46 tỷ USD vào năm ngoái.

Các biện pháp cải cách trên là những điều kiện tiên quyết để Sri Lanka nhận được gói cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD từ IMF dự kiến được công bố trong tuần tới.

Tuy nhiên, việc tăng thuế cùng với giá cả hàng hóa tăng đã làm bùng lên làn sóng biểu tình kéo theo một loạt các cuộc đình công trên cả nước.

Ngày 16/3, khoảng 40 nghiệp đoàn thông báo kế hoạch tổng đình công vào tuần tới nếu chính phủ không có động thái nới lỏng chính sách "thắt lưng buộc bụng."

Trong khi đó, Tổng thống Wickremesinghe cảnh báo tình trạng vỡ nợ quốc gia sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2026, đồng thời cho biết chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện những cải cách mà IMF yêu cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục