Nền kinh tế Trung Quốc trước các số liệu trái chiều

Tăng trưởng dịch vụ - lĩnh vực có vai trò quan trọng ở Trung Quốc - đã chậm lại trong tháng Hai và ở mức thấp nhất trong năm tháng qua.
Tăng trưởng của dịch vụ - lĩnh vực đang có vai trò ngày càng quan trọng ở Trung Quốc - đã chậm lại trong tháng 2/2013 và ở mức thấp nhất trong năm tháng qua, củng cố quan điểm cho rằng đà hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn chưa thật mạnh.

Theo Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), Chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực phi chế tạo của Trung Quốc đã ở mức 54,5 điểm, giảm so với 56,2 điểm trong tháng 1/2013, và là mức thấp nhất kể tháng 9/2012.

Điều này cho thấy nhu cầu thị trường trong lĩnh vực phi chế tạo vẫn duy trì xu hướng ổn định nhưng giảm tốc.

Trong khi đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết sản lượng, xuất khẩu và lợi nhuận của ngành công nghiệp nhẹ Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức hai con số trong năm 2012, trong đó sản lượng tăng 18,2% lên 18.050 tỷ Nhân dân tệ (2.870 tỷ USD), xuất khẩu tăng 13,72% lên 507,51 tỷ USD và lợi nhuận tăng 19,6% lên 1.100 tỷ Nhân dân tệ.

Mới đây, Justin Yifu Lin - nguyên nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) - đã khẳng định lại đánh giá của ông cho rằng Trung Quốc có thể duy trì mức tăng trưởng 8%/năm trong 20 năm tới.

Theo số liệu thống kê, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 7,8% năm 2012, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1999.

Ông Justin Yifu Lin cho rằng tình hình tài chính công lành mạnh, nhiều chương trình đầu tư sinh lợi cao, tỷ lệ tiền gửi ngân hàng của người dân và dự trữ ngoại tệ cao sẽ tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn, chênh lệch thu nhập, xung đột tài nguyên-môi trường, tình hình mất cân đối của lĩnh vực ngoại thương, đầu tư quá mức, giáo dục, công nghệ, năng lực sáng tạo, tham nhũng, pháp lý và cơ chế chính trị./.

Anh Quân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục