Nga có “lực bất tòng tâm” trước các lệnh trừng phạt của Mỹ?

Bất chấp mối quan hệ gần gũi hơn với các nước, Nga vẫn bị đánh giá còn nhiều hạn chế khi thương lượng về các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Nga có “lực bất tòng tâm” trước các lệnh trừng phạt của Mỹ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo Tân Hoa Xã, trong bối cảnh Mỹ thẳng tay áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một loạt nước, Nga đã nhanh chóng phản ứng bằng cách tăng cường hợp tác với các quốc gia khác như Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các chuyên gia Nga, mặc dù Moskva thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với nhiều nước bên ngoài, song có vẻ như sẽ chẳng có nhiều thay đổi diễn ra cho đến khi các vấn đề cơ bản được giải quyết.

Những cú đòn kinh tế

Mỹ gần đây tỏ ra quyết liệt hơn và thẳng tay áp đặt hết biện pháp trừng phạt kinh tế này đến biện pháp trừng phạt kinh tế khác đối với một số quốc gia. Ngày 7/8, Mỹ tái áp đặt các trừng phạt, vốn đã được dỡ bỏ cách đây 2 năm, đối với Iran. Ngày 8/8, Washington tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt chống Nga, và động thái này sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các công ty nhà nước của Nga. Ngày 10/8, cường quốc kinh tế số 1 thế giới công bố quyết định tăng gấp đôi mức thuế quan đối với các sản phẩm nhôm và thép của Thổ Nhĩ Kỳ.

[Nga chuẩn bị sẵn sàng đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ]

Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga nói: “Các biện pháp trừng phạt - không chỉ chống lại Nga - đang trở thành một trong những công cụ then chốt trong chính sách đối ngoại của Mỹ.”

Những "cú đòn" thẳng tay của Mỹ ngay lập tức đã tạo ra sự hỗn loạn ở những nền kinh tế này. Đồng rúp của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2016, còn đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm 25% giá trị chỉ trong 1 tuần.

Nền kinh tế toàn cầu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với việc đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi mất giá và sự biến động trên thị trường chứng khoán ở các nước phát triển, tất cả nằm trong một chuỗi phản ứng dây chuyền.

Azhdar Kurtov, Tổng biên tập Tạp chí Các vấn đề chiến lược quốc gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, nói: “Các biện pháp này rất nhạy cảm, bởi chúng nhằm mục đích làm giảm thu nhập của các nền kinh tế.” Kurtov cho biết Mỹ đang cố gắng sử dụng các “đòn” kinh tế để buộc những nước khác phải nhượng bộ và phục tùng sự dẫn dắt của họ.

Những láng giềng thân thiết

Những thách thức chung có thể tạo ra sự liên kết, và Nga đã trở nên gần gũi hơn bao giờ hết với các nước láng giềng của mình trong những ngày qua. Ngay sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt Iran, Moskva tuyên bố sẽ củng cố mối quan hệ hợp tác kinh tế với Tehran và nhắc lại cam kết sẽ tiếp tục duy trì cũng như thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ vừa đơn phương rút khỏi hồi tháng 5/2018.

Trong chuyến thăm tới Ankara hôm 14/8 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ thực hiện các bước tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và tiếp tục thảo luận về quan hệ hợp tác trong vấn đề Syria. Được biết, hai bên cũng đang thảo luận về cách giải quyết vấn đề tiền tệ ở quốc gia của họ.

Ngoài ra, Nga, Iran, Kazakhstan, Turkmenistan và Azerbaijan vừa ký một hiệp định mới về việc cùng sử dụng vùng Biển Caspi. Chia sẻ với Tân Hoa Xã, Kurtov nói: “Hợp tác cho phép các quốc gia hoạt động và tìm kiếm các giải pháp hữu ích một cách hiệu quả hơn.” Ông lưu ý rằng sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức khu vực, nơi có sự tham gia của những nước này và do đó, các thành viên khác sẽ “buộc phải phối hợp với hành động của họ” để đối phó với các biện pháp trừng phạt.

Hơn nữa, cộng đồng quốc tế cũng có thể sẽ đặt câu hỏi về địa vị của Mỹ trên vũ đài thế giới và tìm kiếm thêm một hệ thống thương mại đa nguyên nếu Washington tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế và làm hại đến lợi ích của những nước khác. Kurtov nói: “Điều này sẽ không xảy ra một cách nhanh chóng, song Mỹ đang dần mất đi vị thế thống trị của mình.” 

Không có giải pháp nhanh chóng

Bất chấp mối quan hệ gần gũi hơn với các nước, Nga cho đến nay vẫn bị hạn chế khi thương lượng về các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Thương mại mất cân đối giữa Mỹ và Nga đã khiến Washington không nhiều căng thẳng trước sự trả đũa của Moskva.

Các chuyên gia cho rằng Nga đang phụ thuộc nhiều vào phương Tây trong lĩnh vực kinh tế hơn là các lĩnh vực khác. Fyodor Lukyanov - Tổng biên tập Tạp chí Nước Nga trong Các vấn đề toàn cầu - cho rằng Nga nên chuyển sang việc đối phó với những rủi ro và tìm cách tồn tại trong một môi trường với những áp lực vô cùng khốc liệt như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục