Vì sao Đức và Áo bất ngờ quay sang "ve vãn" Nga?

Vị trí của Áo và lợi ích của nước này trong quan hệ với Nga hoàn toàn khác với Đức, vậy tại sao cả hai nước này cùng quay sang "ve vãn" Nga?
Vì sao Đức và Áo bất ngờ quay sang "ve vãn" Nga? ảnh 1Tổng thống Nga Putin (phải) và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. (Nguồn: Daily Express)

Chuyến thăm Đức và Áo của Tổng thống Nga Vladimir Putin là biểu hiện của chính sách đối ngoại và giao tiếp quốc tế bình thường, song nó lại diễn ra tại thời điểm tưởng chừng như hai điều này chỉ còn trong quá khứ.

Chỉ mới đây thôi, người ta vẫn còn cảm giác sẽ không thể nào có đối thoại hoặc đối thoại sẽ trở thành cuộc trò chuyện của hai người điếc. Tuy nhiên, cảm xúc và xung đột đã đến và đi, còn lợi ích thì ở lại. Chính lợi ích đã buộc Đức, và cả Áo phải bắt đầu "cuộc chơi" ngoại giao với Nga.

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những thay đổi này là sự thay đổi trong mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ trong năm vừa qua. Điều này trở thành điều kiện thuận lợi cho sự can trường của Nga chống lại sức ép từ bên ngoài và cho những thất bại không thể phủ nhận trong nỗ lực cô lập Nga trên trường quốc tế của phương Tây suốt 4 năm qua.

Định dạng mới trong quan hệ giữa Mỹ và đồng minh châu Âu không còn là định dạng bình đẳng, mà là sự tuân phục, cho dù chỉ là hình thức. Chuyến công du châu Âu hồi tháng Bảy vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "bẻ gẫy" ý chí đấu tranh của châu Âu. Tuy nhiên, để ông Trump đồng ý từ bỏ cuộc chiến thương mại, châu Âu đã phải cam kết tăng số lượng nhập khẩu khí hóa lỏng từ Mỹ và nhiều mặt hàng nông sản khác.

Các quốc gia hàng đầu của châu Âu chắc chắn không muốn bị “lép vế." Đối với Đức, điều quan trọng là phải hoàn thành công trình xây dựng nhánh mới của tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc." Vì điều đó Đức sẽ thương lượng với Mỹ, sẽ nhượng bộ, song Đức sẽ không từ bỏ nhiệm vụ chiến lược của mình là thiết lập sự kiểm soát gần như độc quyền đối với việc cung cấp khí đốt của Nga sang thị trường châu Âu. Điều này cũng tương tự như 50 về trước khi họ đã thành công trong việc chống lại kế hoạch của Mỹ buộc Đức ngừng hợp tác năng lượng với Liên Xô.

Kết quả là thỏa thuận Moskva 1970 ra đời, hoàn tất thời kỳ quan hệ hậu chiến. Đức cần khí đốt, Liên Xô cần mối quan hệ yên ổn với Đức. Về thực chất thì mối quan hệ đó đã "êm xuôi" cho đến khi xẩy ra cuộc khủng hoảng quân sự-ngoại giao 2014, liên quan đến những gì đã diễn ra tại Kiev (Ukraine).

[Nga lặng lẽ xây dựng vị thế mới tại châu Phi sau nhiều năm "thờ ơ"]

Cũng như các nước thành viên châu Âu, Đức không chắc sẽ trở thành đối tác xây dựng của Nga trong vòng 10-15 năm tới. Vô số các vấn đề trong nước, ảnh hưởng của chính sách án phạt, sức ép liên tục của Mỹ - tất cả những điều đó không cho phép Đức và châu Âu thay đổi thái độ với Nga và với các dự án mà Nga ủng hộ. Ví dụ như dự án hội nhập kinh tế Á-Âu. Thêm vào đó khả năng công nhận sai lầm không phải là tính cách của Đức.

Song điều đó không có nghĩa là giữa các nước không thể có một nền ngoại giao truyền thống bình thường. Chuyến thăm Áo của ông Putin có ý nghĩa ở khía cạnh đó.

Về nguyên tắc, vị trí của Áo và lợi ích của nước này trong quan hệ với Nga hoàn toàn khác với Đức cho dù Áo cũng là đối tác lớn của Nga trong lĩnh vực năng lượng và có đầu tư vào Nga. Song vai chính ở đây thuộc về chính trị và ngoại giao.

Sau khi gia nhập EU, Áo đối mặt với nguy cơ giảm sự can dự của nước này vào các sự kiện quốc tế. Đối với một cựu đế quốc châu Âu thì đây là vết thương tâm lý. Hiện giờ Áo là đất nước phát triển và giàu có, song 100 năm trước Áo còn là quốc gia đứng đầu một đế quốc đa dân tộc.

Thủ tướng trẻ Sebastian Kurz hiểu rằng một trong số vốn liếng ngoại giao ít ỏi mà ông có là vị thế trung lập của Áo. Vị thế đó đã phần nào bị lu mờ khi nước này gia nhập EU. Lấy ví dụ, hồi năm 2014 Áo lẽ ra phải tham gia vào các biện pháp kinh tế trừng phạt Nga, song nước này đã chọn biện pháp tiến hành một chính sách tự chủ hơn. Áo không phải thành viên của Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) và không có nghĩa vụ đoàn kết với Liên minh quân sự này. Nói cách khác, Áo là đối tác lý tưởng cho "cuộc chơi" ngoại giao tinh tế. Và nay, Áo cho thấy họ đã sẵn sàng với cuộc chơi này.

Bốn năm xung đột liên quan đến Ukraine và quan điểm ngày càng cứng rắn của Mỹ đã mang lại kết quả không như mong đợi. Châu Âu, đặc biệt là các quốc gia đi đầu, hiểu rằng trong quan hệ với Nga không thể quay lại mô hình thập kỷ 90, đồng thời Nga cũng bày tỏ quan điểm rằng không cần phải quay lại mô hình đó.

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khép lại trang sử chung thời đó, đồng thời trả lại cho châu Âu điều mà họ còn thiếu sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Đó là nền ngoại giao đa nguyên, khi các nước hiểu rằng không thể nào hòa tan thành một hệ giá trị và lợi ích duy nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục