Nga đang mất hàng tỉ USD vì Mỹ tụt hạng tín dụng

Các nhà kinh tế độc lập cho rằng, Nga bị mất một phần dự trữ ngoại tệ do đồng USD suy yếu vì S&P hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ .
Báo Độc lập (Nga) ngày 8/8 nhận xét, việc hãng S&P hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ đang khiến dự trữ ngoại tệ của Nga giảm đi và ảnh hưởng lớn đến thị trường nguyên nhiên liệu, đồng thời gây phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh và New Delhi.

Các nhà kinh tế độc lập cho rằng, Nga đã bị mất một phần dự trữ ngoại tệ do đồng USD suy yếu. Hậu quả tiếp theo sẽ là một đòn giáng vào thị trường dầu mỏ thế giới, với việc giá dầu có thể giảm đi.

Theo số liệu công bố hôm 2/8, do sự chênh lệch tỷ giá nên Quỹ phúc lợi quốc gia Nga từ ngày 1/1 đến 31/7 đã mất hơn 108 tỉ rúp. Quỹ dự trữ vì lý do trên cũng đã mất 39,92 tỉ rúp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tài chính Nga Sergei Storchak nói: "Dù sao thì đây cũng chỉ là sự điều chỉnh nhẹ nên có thể bỏ qua, xét về quan điểm quản lý đầu tư trong dài hạn. Là một nhà đầu tư, chúng tôi hiểu rằng đây là một tín hiệu đối với những người cho vay, chứ không phải đối với các nhà đầu tư."

Theo ông Storchak, thị trường nợ của Mỹ có tính thanh khoản cao nhất và là một trong những thị trường đáng tin cậy nhất.

Ông tin rằng, việc hạ điểm tín nhiệm trước hết là tín hiệu gửi tới chính nước Mỹ, chứ không phải tín hiệu báo động đối với các nhà đầu tư đang bỏ tiền vào các trái phiếu Mỹ.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với hãng tin Nga Interfax, ông Storchak cho biết, Nga sẽ không xem xét lại các khoản đầu tư dự trữ, bởi không có sự khác biệt lớn giữa mức AAA và AA +.”

Hiện nay, cơ cấu của Quỹ dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia Nga là 45% bằng USD, 45% bằng euro và 10% bằng bảng Anh.

Ông Storchak cho biết, Nga vẫn giữ chính sách bảo tồn đầu tư và nhấn mạnh: "Nếu trái phiếu của Mỹ tăng giá thì đó là điều tốt, nhưng điều quan trọng là làm sao để độ tin cậy của các khoản đầu tư không bị suy giảm."

Theo Thứ trưởng Tài chính Nga, các thỏa thuận đạt được gần đây giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ nhằm giảm thâm hụt ngân sách đã tạo ra một xu hướng bền vững và giới hạn nợ công là một quyết định hoàn toàn mang tính kỹ thuật, chứ không mang tính hệ thống.

Ông nhấn mạnh, chính quyền Mỹ đã không thể chấp nhận những cam kết quá chặt chẽ nhằm tạm ngừng việc cung cấp tài chính cho các cam kết của Mỹ thông qua các khoản vay. Vì vậy, việc S&P hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ có thể xuất phát từ thực tế này.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều có phản ứng nhẹ nhàng như Nga. Chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc (với tổng dự trữ khoảng 1,15 nghìn tỉ USD) đã chỉ trích gay gắt chính quyền Mỹ.

Tân Hoa Xã hôm 6/8 khẳng định: "Đã qua rồi cái thời mà Mỹ có thể dùng tín dụng để đảm bảo cho họ thoát ra khỏi những vấn đề mà chính họ tạo ra. Thế giới cần phải có một đồng tiền dự trữ mới thay thế đồng USD."

Phản ứng của Ấn Độ đối với việc S&P hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ cũng tiêu cực, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn bày tỏ tin tưởng rằng công phiếu quốc gia của Mỹ vẫn đáng tin cậy như trước đây.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế Nga tin rằng, việc hạ mức xếp hạng tín dụng của Mỹ là một sự xác nhận những mất mát tài chính đối với những người sở hữu cổ phiếu bằng đồng USD.

Chuyên gia kinh tế của công ty Troika Dialog Evgheny Gavrilenkov cho biết: "Xếp hạng tín dụng là một hình thức đánh giá về nguy cơ mất tiền. Nhưng trong trường hợp này, chúng ta có thể nói rằng việc hạ mức xếp hạng tín dụng là “việc đã rồi,” nghĩa là nó phản ánh những mất mát mà các nhà đầu tư bên ngoài đã phải gánh chịu.

Những tổn thất này liên quan đến sự suy yếu của đồng USD ở mức 12-14% so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Ví dụ, đồng USD suy yếu có nghĩa là Nhật Bản (nước nắm giữ khoảng 900 tỷ đồng trái phiếu Mỹ) đã mất khoảng 100 tỷ USD.

Trong khi đó, tổn thất của Nga thấp hơn nhiều do khối lượng dự trữ nhỏ hơn và do lạm phát cao. Trong ngắn hạn, chuyên gia Gavrilenkov dự đoán một cơn bão sẽ đổ vào các thị trường tài chính, và cơn bão đó có liên quan đến việc xem xét lại lãi suất cơ bản và mức độ rủi ro.

Cho đến nay, lãi suất trên toàn thế giới bằng cách này hay cách khác đều có liên quan đến các tiêu chuẩn của Mỹ. Sự thay đổi các tiêu chuẩn này trên thị trường cần một khoảng thời gian “đau đớn” để điều chỉnh, trong đó lãi suất có thể tăng lên.

Theo ông Gavrilenkov, giá dầu thế giới - chỉ số chính đối với nền kinh tế Nga - chưa chắc có khả năng suy giảm trong tương lai gần.

Nhà kinh tế người Nga này nói: "Trong kế hoạch ngắn hạn, tính thanh khoản phong phú sẽ hỗ trợ giá dầu cao, bất chấp dự báo nền kinh tế toàn cầu phát triển chậm lại và nguy cơ suy thoái kinh tế mới."

Về dài hạn, giá dầu thế giới sẽ phụ thuộc vào sự đồng thuận về mô hình tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Không phải tất cả các chuyên gia đều tin giá dầu giới vẫn sẽ được duy trì ở mức cao. Chủ tịch tập đoàn Neocon - Mikhail Khazin cho biết: "Nga có thể phải chịu hậu quả do sự sụp đổ của thị trường đầu cơ, mà một trong số đó chính là thị trường dầu mỏ thế giới."

Theo ông Mikhail Khazin, thị trường dầu hiện đang nóng gấp 1,5 đến 2 lần so với nhu cầu thực tế.

Ông Khazin nhận xét: "Việc Mỹ bị hạ thấp xếp hạng tín dụng là một trong những biểu hiện của một cuộc khủng hoảng thế giới nói chung và điều đó có lẽ không có lợi cho Nga. Cuộc khủng hoảng đó sẽ kết thúc bằng những thay đổi đáng kể trong mối tương quan giữa giá các mặt hàng trên thế giới.”

Dmitry Pushkarev, Trưởng Phòng giám định kinh tế và tài chính thuộc công ty 2trade.ru cho rằng, kế hoạch thay đổi cơ cấu dự trữ nên được đích thân Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin công bố công khai, hơn là để các cấp phó của ông làm việc đó. Chính Bộ trưởng cùng với Ngân hàng Trung ương Nga sẽ định ra khả năng cân bằng dự trữ ngoại tệ./.

Hồng Quân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục