"Nga gia tăng hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương"

Ngoại trưởng Nga đánh giá khu vực châu Á-Thái Bình Dương có ảnh hưởng chính trị đang ngày một gia tăng có tầm quan trọng sống còn.
Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 21 sẽ diễn ra trong hai ngày 7-8/10 tới đây tại đảo Bali, Indonesia.

Để giới thiệu với cộng đồng quốc tế về quan điểm của Liên bang Nga về những triển vọng mở rộng hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và vai trò của APEC trong việc tăng cường liên kết kinh tế tại khu vực, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov có bài viết “Tiến tới hòa bình, ổn định và sự phát triển kinh tế bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”

Trong bài viết của mình, Ngoại trưởng Nga đánh giá khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay là trung tâm phát triển kinh tế và ảnh hưởng chính trị đang ngày một gia tăng có tầm quan trọng sống còn. Chính nước Nga cũng đang gia tăng sự hiện diện của mình tại châu Á-Thái Bình Dương.

Theo ông Lavrov, một khu vực châu Á-Thái Bình Dương lớn mạnh, ổn định, an ninh là mục tiêu mệnh lệnh tuyệt đối đối với nước Nga. Việc tăng cường hoạt động ở hướng Đông, phát triển quan hệ song phương với các quốc gia trong khu vực, tham gia vào hoạt động của các tổ chức liên quốc gia là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước Nga. Điều này đã được ấn định trong văn bản mới về Đường lối chính sách đối ngoại của Liên bang Nga được Tổng thống Putin phê duyệt ngày 12/2.

Ngoại trưởng Nga cho biết điểm nổi bật trong chính sách của Nga tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là tính chất cân nhắc cẩn trọng và tập trung tiêu điểm, hướng tới mục tiêu đạt được sự cân bằng lực lượng một cách thật sự ổn định, xây dựng chương trình nghị sự thống nhất cho quan hệ trong khu vực. Trong đó quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam đã vượt lên tầm đối tác chiến lược. Quan hệ với các nước ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Canada đang phát triển trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Trong quá trình hội nhập, Nga khẳng định sẽ dành ý nghĩa ưu tiên cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Năm 2012 lần đầu tiên Nga giữ cương vị chủ tịch diễn đàn APEC, và theo đánh giá của các đối tác thì Nga đã làm tốt vai trò này.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh sắp diễn ra tại Bali ngày 7-8/10, Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng Indonesia, Chủ tịch đương nhiệm của APEC, đã đảm bảo sự tiếp nối thỏa đáng những ưu tiên trong hoạt động của diễn đàn.

Ông Lavrov cho biết cho tới nay Nga đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc hình thành trung tâm phát triển khu vực lớn mạnh là Không gian kinh tế thống nhất với triển vọng thành lập Liên minh kinh tế Á-Âu trước ngày 1/1/2015, thông qua đó rèn đúc mắt xích kết nối châu Âu và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo ý kiến ông, việc duy trì tốt sự hợp tác giữa Liên minh hải quan và APEC sẽ đáp ứng được những lợi ích chung.

Ông Lavrov nhấn mạnh Nga sẵn sàng đóng góp vào việc thảo luận do nước chủ nhà APEC đề xuất về vấn đề tăng trưởng bền vững trên cơ sở bình đẳng.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga cho rằng chủ đề an ninh năng lượng trong khu vực APEC xứng đáng được quan tâm đặc biệt. Trong khuôn khổ diễn đàn sẽ tiếp tục sự thỏa luận mang tính xây dựng về năng lượng xanh, năng lượng sinh thái. Đồng thời việc thảo luận về những lĩnh vực như hoàn thiện các biện pháp điều hành trong lĩnh vực năng lượng, đảm bảo tính minh bạch và khả năng có thể dự báo của các thị trường nhiên liệu cũng rất quan trọng.

Nga sẽ tiếp tục duy trì đường lối gia tăng hợp tác trong những lĩnh vực khác về phát triển an ninh trong khu vực, trước hết là trong khuôn khổ chiến lược thống nhất được thông qua tại diễn đàn APEC về đấu tranh chống khủng bố và đảm bảo an ninh thương mại. Điều quan trọng là phải duy trì tốt sự hợp tác trong việc ngăn chặn tham nhũng, hoạt động buôn bán bất hợp pháp và các dạng tội phạm có tổ chức khác.

Có một nội dung ưu tiên nữa trong nhiệm kỳ Indonesia làm chủ tịch APEC đang tạo ra những khả năng hợp tác rộng mở trong khối, đó là tăng cường mối liên hệ tương hỗ trong khu vực nhằm tạo ra một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hợp tác toàn diện. Nga cho rằng việc đặt ra nhiệm vụ như vậy hiện nay là có cơ sở và đúng thời điểm.

Năm nay Nga đã trở thành thành viên đầy đủ của hệ thống bản đồ hiện hữu cho việc đi lại giao thương trong khu vực APEC, hệ thống đang tạo ưu đãi trong việc giải quyết các vấn đề thị thực. Ông Lavrov cho rằng điều đó sẽ giúp mở rộng khả năng giao thương giữa các doanh nhân và các quan chức phụ trách khối kinh tế, và cũng có nghĩa là tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Nga và các nền kinh tế thành viên APEC khác./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục