Nga khởi động tổ hợp nghiên cứu các tia vũ trụ

Đêm 5/10, các nhà khoa học Nga vừa cho khởi động tổ hợp mới về nghiên cứu các tia vũ trụ tại thung lũng Tunkinski, miền Đông Siberia.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, đêm 5/10, các nhà khoa học Nga vừa cho khởi động tổ hợp mới về nghiên cứu các tia vũ trụ tại thung lũng Tunkinski, miền Đông Siberia.

Trên bãi thử nghiệm với diện tích 1 km2, 133 bộ phân tích sóng từ vũ trụ được bố trí chặt chẽ theo trật tự hình học, do đó mà tổ hợp có tên gọi là Tunka-133.

Các máy tách sóng có bề ngoài rất đơn giản, trông giống những "thùng phuy" có nắp đậy được mở ra vào ban đêm, thời điểm thích hợp để quan sát các vì sao trên bầu trời.

Sự va chạm liên tiếp hàng giây giữa các hạt cơ bản của vũ trụ và bầu khí quyển Trái Đất phát ra những tia sáng, được bộ nhân quang trong những "thùng phuy" thu nhận và chuyển đổi sang tín hiệu điện.

Giáo sư Nikolai Kalmykov, Chủ nhiệm bộ môn Các hạt năng lượng cao tần Viện Vật lý hạt nhân thuộc trường Đại học Tổng hợp Matxcơva, cho biết tổ hợp mới sẽ giải quyết những nhiệm vụ khoa học cơ bản.

Trên thực tế, Tunka-133 của Nga được coi là “người em út” của Máy gia tốc hạt lớn (LHC). Tuy bằng những phương pháp khác nhau, song cả hai hệ thống đều có cùng mục đích là thu thập kiến thức về tác động tương hỗ giữa các hạt cơ bản sở hữu năng lượng siêu cao.

Bản chất của một trong những phương pháp nói trên là thiết bị Tunka-133 tạo điều kiện ghi nhận cả những “trận mưa rào” nằm ngoài giới hạn quan sát (hiện tượng được gọi là “mưa rào” mà thiết bị mới ghi nhận chính là cơn mưa lớn khí quyển).

Như vậy có nghĩa diện tích quan sát hiệu quả của Tunka-133 sẽ tăng gấp nhiều lần. Các nhà khoa học dự kiến sẽ nhận được những kết quả nghiên cứu đầu tiên sau khoảng nửa năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục