Nga phủ quyết việc lập tòa án quốc tế xét xử vụ rơi máy bay MH17

Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ một dự thảo nghị quyết về việc thành lập một tòa án quốc tế xét xử vụ rơi máy bay MH17.
Nga phủ quyết việc lập tòa án quốc tế xét xử vụ rơi máy bay MH17 ảnh 1Mảnh vỡ máy bay MH17 tại hiện trường ở làng Grabove, miền Đông Ukraine. (Nguồn: AFP)

Ngày 29/7, Nga đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ một dự thảo nghị quyết tại một cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc thành lập một tòa án quốc tế xét xử vụ rơi máy bay MH17 tại khu vực Donbass, miền Đông Ukraine hồi tháng 7/2014.

Dự thảo này nhận được sự tán đồng của đại diện của 11/15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có 3 nước bỏ phiếu trắng.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai nói rằng thực sự cảm thấy rất tiếc dự thảo nghị quyết đã không nhận được sử ủng hộ của toàn thể hội đồng. Ông cũng bày tỏ sự thất vọng khi Hội đồng không tìm được tiếng nói chung trong việc triển khai các bước đi cần thiết để đưa thủ phạm bắn rơi máy bay MH17 ra trước công lý.

Trong khi đó, đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin tiếp tục cho rằng dự thảo nghị quyết này là không phù hợp và còn quá sớm, và sự phủ quyết của Nga không nhằm mục đích ngáng đường các cuộc điều tra toàn diện hay tiến trình thực thi công lý.

Nga giữ nguyên lập trường rằng trước khi bắt đầu phiên tòa xét xử các nước cần hoàn tất cuộc điều tra. Nước này cũng vừa đệ trình lên Hội đồng Bảo an dự thảo nghị quyết của riêng mình, trong đó bày tỏ sự nghi ngờ về tính khách quan cuộc điều tra thảm họa trên và đề xuất tăng cường vai trò của Liên hợp quốc trong quá trình điều tra.

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ việc thành lập tòa án quốc tế để điều tra và xét xử những đối tượng phải chịu trách nhiệm về vụ rơi máy bay tại miền Đông Ukraine vào thời điểm hiện nay là không thích hợp, song ông lưu ý Nga sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ cuộc điều tra về thảm họa này. Mặc dù còn bị hạn chế trong việc tiếp cận hiện trường cùng các nhóm điều tra quốc tế, nhưng Nga luôn sẵn sàng "hợp tác chặt chẽ để làm rõ nguyên nhân và hoàn cảnh của thảm kịch."

Cuộc điều tra thảm họa MH17 hiện do một nhóm điều tra quốc tế thực hiện. Đứng đầu nhóm này là Công tố nhà nước và Bộ Tư pháp Hà Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục