Chính phủ Nga ngày 21/1 đã thông báo kế hoạch chống khủng hoảng, đưa nền kinh tế ra khỏi khó khăn, với số tiền cần chi lên tới 1.375 tỷ ruble tương đương 21 tỷ USD.
Theo Phó Thủ tướng Igor Shuvalov, nguồn tài chính để thực hiện sẽ đến từ nhiều nguồn như ngân sách cũng như quỹ quốc gia đã được tích lũy từ xuất khẩu năng lượng trong những năm giá dầu ở mức cao.
Kế hoạch chống khủng hoảng đã được bàn trong nhiều ngày và theo nhật báo Kommersant, sẽ có hơn 100 điều khoản nhằm vào việc hỗ trợ tăng trưởng, đa dạng hóa nền kinh tế và tránh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ rơi vào tình trạng phải đóng cửa. Trong tổng số 1.375 tỷ ruble ước tính sẽ cần phải chi ra, phần đáng kể sẽ được dành để hỗ trợ hệ thống ngân hàng, 50 tỷ ruble được phân bổ cho ngành nông nghiệp, 20 tỷ ruble cho công nghiệp và 16 tỷ ruble cho ngành y tế để mua thuốc men.
Để đáp ứng được các nhu cầu chi tiêu và tránh phải cắt giảm ngân sách, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich đang tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) đã nói Nga sẽ dùng đến nguồn dự trữ để ổn định tài chính.
Ông nói thêm rằng biến động trên thị trường dầu mỏ và lãi suất cơ bản ở mức 17% như hiện nay đã khiến Nga khó xoay trở. Bình luận về về giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh, ông nhận định giá dầu mỏ thế giới còn có thể rơi xuống mức 20-30 USD/thùng trong ngắn hạn, nhưng cũng sẽ nhanh chóng tăng trở lại và trung bình cả năm 2015 có thể cao hơn mức giá hiện nay. Ông cũng tuyên bố Nga sẽ không giảm khai thác khi giá dầu mỏ vẫn dao động ở mức 50-60 USD/thùng.
Nga đã soạn thảo ngân sách 2015 trên cơ sở giá dầu ở mức gần 100 USD/thùng, nhưng hiện mức giá đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng và có thể còn giảm xuống thấp hơn. Theo nhận định của các nhà kinh tế, nếu giá dầu và giá trị đồng rúp vẫn duy trì các mức như hiện nay, dự kiến chi ngân sách như ban đầu sẽ khiến ngân sách thâm thủng trên 5% GDP và việc dùng tới nguồn dự trữ từ dầu mỏ để bù đắp vào sẽ chỉ có thể là giải pháp ngắn hạn.
Trong khi đó, Chính phủ Nga còn đặc biệt lo ngại về tình trạng giá cả leo thang mà nguyên nhân theo nhiều nhà phân tích là do Chính phủ Nga năm ngoái đã trả đũa các nước đã trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine bằng việc cấm nhập khẩu nhiều loại thực phẩm. Theo Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayey, lạm phát tại Nga vào tháng Một sẽ lên đến 13%, sau khi tăng lên 11,4% vào năm ngoái.
Kinh tế Nga có khả năng rơi vào suy thoái sâu trong năm nay, do chịu cú đánh kép từ việc giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính, giảm mạnh và các biện pháp trừng phạt của phương Tây./.