Nga và Trung Quốc hợp tác đầu tư vào lĩnh vực lithium tại Bolivia

Tập đoàn Rosatom (Nga) và Citic Guoan (Trung Quốc) sẽ đầu tư 1,4 tỷ USD để xây dựng các nhà máy xử lý chiết xuất lithium trực tiếp tại Bolivia, với công suất dự kiến 45.000 tấn lithium cacbonate/năm.
Nga và Trung Quốc hợp tác đầu tư vào lĩnh vực lithium tại Bolivia ảnh 1Tổng thống Bolivia Luis Arce chụp ảnh cùng đại diện của Rosatom (Nga) và Tập đoàn Citic Guoan (Trung Quốc) tại lễ ký kết. (Ảnh: Reuters)

Ngày 29/6, Bộ Năng lượng Bolivia cho biết chính phủ nước này vừa đạt được thỏa thuận đầu tư, với tổng trị giá hơn 1,4 tỷ USD, với Tập đoàn Rosatom của Nga và Tập đoàn Citic Guoan của Trung Quốc.

Đây là một phần trong chiến lược phát triển lĩnh vực sản xuất lithium - khoáng sản quan trọng dùng để sản xuất pin xe điện.

Phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô La Paz, Bộ trưởng Năng lượng Bolivia Franklin Molina khẳng định các thỏa thuận vừa được ký kết sẽ giúp quốc gia Nam Mỹ này đạt mục tiêu nâng sản lượng lithium carbonate lên 100.000 tấn vào năm 2025.

Ông Molina cho biết số vốn 1,4 tỷ USD trên sẽ được sử dụng để xây dựng các nhà máy xử lý chiết xuất lithium trực tiếp (DLE) tại cánh đồng muối Pasto Grande và Uyuni Norte ở vùng Potosí, Tây Nam nước này, với công suất dự kiến 45.000 tấn lithium cacbonate/năm.

Tập đoàn Citic Guoan tuyên bố đầu tư 857 triệu USD, đồng thời lên kế hoạch phát triển dây chuyền sản xuất pin và các nhà máy lắp ráp xe điện tại Bolivia.

Trong khi đó, thông qua liên doanh Uranium One Group, Tập đoàn Rosatom cam kết đầu tư 600 triệu USD vào dự án khai thác lithium tại Bolivia, với công suất dự kiến khoảng 25.000 tấn lithium carbonate/năm.

[Cuộc đua khai thác 'vàng trắng' lithium giữa các hãng xe điện]

Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Rosatom Kirill Komarov nhấn mạnh sản lượng lithium carbonate khai thác từ các dự án do tập đoàn này triển khai tại Bolivia có thể tiếp tục tăng.

Dựa trên kết quả thăm dò địa chất do Rosatom tiến hành trên các cánh đồng muối tại Bolivia, tỷ lệ thu hồi lithium đạt trên 80% với độ tinh khiết lên tới 99,5%.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất của Mỹ, Bolivia có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới, với 21 triệu tấn.

Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư và công nghệ, quốc gia Nam Mỹ này gặp rất nhiều khó khăn trong việc đẩy mạnh sản xuất lithium ở quy mô công nghiệp cũng như phát triển các nguồn cung cấp sản phẩm khả thi về mặt thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục