Trước đây tại Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành có tình trạng người dân mua bán, chuyển nhượng bất động sản giá cao nhưng khi đến cơ quan thuế để khai báo nộp thuế lại ghi giá thấp để được hưởng lợi về thuế thu nhập cá nhân, thuế trước bạ... Điều này đã gây ra thất thu thuế, tạo sự không công bằng giữa các cá nhân.
Trước thực trạng này, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc để ngăn chặn hành vi chuyển nhượng bất động sản nhưng trốn thuế với Nhà nước.
Muôn hình vạn trạng lách thuế
Chị N.T.H ở phố Trung Kính, Cầu Giấy (Hà Nội) có bán nhà và đất ở trong ngõ cho một người mua với giá 7 tỷ đồng. Nhưng khi làm các thủ tục hợp đồng sang nhượng, mua bán qua Văn phòng công chứng đã được chị H và người mua thống nhất hạ xuống 5 tỷ đồng.
Tương tự chị T. T. Q ở quận Hà Đông (Hà Nội) có bán một căn chung cư cao cấp giá 5 tỷ đồng nhưng cũng được môi giới "vẽ đường" để hạ xuống còn 3 tỷ đồng khi chốt con số trên hợp đồng công chứng. Qua trao đổi, các trường hợp trên giải thích việc "hạ" giá trị giao dịch như vậy nhằm giảm được thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ.
"Trong lúc dịch bệnh khó khăn thế này, giảm được đồng nào hay đồng ấy. Tính trừ các khoản chi phí ngoài luồng thì vẫn giảm hơn so với nộp thuế đúng giá trị giao dịch," chị Q thổ lộ.
Xét theo các quy định hiện hành thì các hành vi kể trên đã vi phạm Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định Thuế thu nhập cá nhân; Vi phạm Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định Lệ phí trước bạ.
Ngoài ra, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định người nộp thuế có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ, nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.
[Sửa đổi Luật Đất đai: Những nút thắt tạo lực cản]
Song trên thực tế, có rất nhiều trường hợp đã lách luật để giảm nộp thuế kiểu như trên. Trường hợp trước mách bảo trường hợp sau, để rồi trở thành việc thường ngày trong các giao dịch bất động sản ở Hà Nội. Cơ quan thuế cũng đã biết việc này, tuy nhiên trên thực tế khó ngăn chặn do nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan.
Để đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân nộp thuế, tránh thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, cần thiết phải chấn chỉnh lại các hành vi "đi đêm" của cán bộ và cá nhân liên quan.
Đồng thời, các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thu nhập doanh nghiệp trong các hoạt động giao dịch bất động sản.
Đảm bảo tính công bằng
Trao đổi về các nội dung trên, Cục Thuế Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để người dân, doanh nghiệp được biết.
Hình thức tuyên truyền thông qua: phát "thư ngỏ" tại Văn phòng đăng ký đất đai và Bộ phận "Một cửa"; đăng tải các bài viết trên website của Cục Thuế, báo chí và các kênh thông tin xã hội (Facebook, Zalo...); tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, cổng thông tin điện tử quận, huyện, thị xã...
Còn theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội, cơ quan thuế đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn: tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua bán trong các giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Mặt khác, cơ quan thuế thành phố sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, tham mưu, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng Bảng giá đất sát với giá đất phổ biến trên thị trường.
Hàng năm, ngành thuế xây dựng kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra phát hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản, thực hiện ấn định thuế, truy thu thuế và xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của pháp luật.
Ông Mai Sơn nhấn mạnh, thời gian tới, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan có thẩm quyền để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi trốn thuế. Đồng thời, cơ quan này cũng khuyến nghị người dân và doanh nghiệp khi phát sinh các giao dịch chuyển nhượng bất động sản cần kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ giá thực tế chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng chuyển nhượng cũng như trên hồ sơ khai thuế, phí để bảo vệ chính quyền lợi của bản thân.
Trong trường hợp khi chuyển nhượng bất động sản đã kê khai sai giá trên hợp đồng chuyển nhượng mà chưa làm thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mới thì người nộp thuế đề nghị với cơ quan công chứng hủy hồ sơ công chứng cũ và lập hồ sơ công chứng mới phản ánh đúng giá trị thực tế giao dịch.
"Vì một lý do nào đó, người nộp thuế đã kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn thực tế phát sinh nhưng đã thực hiện công chứng hợp đồng thì đề nghị người nộp thuế chủ động liên hệ với cơ quan thuế trên địa bàn nơi có bất động sản chuyển nhượng để kê khai điều chỉnh bổ sung nghĩa vụ thuế, phí có liên quan," Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội lưu ý.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho rằng, với việc kê khai thuế trung thực là cách thiết thực nhất để bảo vệ chính quyền lợi của bản thân tránh khỏi các nội dung pháp lý phát sinh trong quá trình sử dụng bất động sản như: khi khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, đền bù, và các tình huống pháp lý khác. Trong quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, doanh nghiệp và người nộp thuế liên hệ cơ quan thuế nơi có bất động sản chuyển nhượng để được hướng dẫn giải đáp.
Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền Văn phòng Luật sư Thiên Thanh (Hà Nội), để ngăn chặn việc trục lợi của người dân và cán bộ liên quan từ việc kê khai thuế không trung thực thì bỏ cơ giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh thành ban hành hàng năm mà để thị trường tự quyết định. Nếu thấy nghi ngờ áp giá thấp thì sẽ thành lập đơn vị thẩm định độc lập và ra chứng thư bảo lãnh. Trường hợp người dân có kê khai giá thấp ở mức nghi ngờ cũng sẽ bị tuýt còi phanh lại, sau đó chuyển cơ quan Công an vào cuộc.
Như cách làm mới đây tại tỉnh Bình Định, Công an đã quyết định bắt tạm giam, khám xét nơi ở, khởi tố bị can đối với cá nhân, do sử dụng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có giá trị chuyển nhượng không đúng với thực tế, tài liệu không hợp pháp để cơ quan thuế xác định sai số tiền thuế phải nộp, cho thấy bất cứ giao dịch nào cũng có thể bị truy xét nếu vi phạm quy định, từ đó cảnh tỉnh các tổ chức cá nhân./.