Chưa chính thức được thương mại tại Việt Nam, thuốc lá làm nóng, cùng với một số loại thuốc lá thế hệ mới khác, đang bị rao bán tràn lan trên mạng, quảng cáo sai chỉ định của nhà sản xuất, gây nên những ngộ nhận cho giới trẻ đối với sản phẩm mà họ coi là “món đồ chơi thời thượng” này.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng ngộ nhận là do người tiêu dùng hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin chính thống về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Các chuyên gia y tế trong và ngoài nước đều khẳng định, không có thuốc lá nào là hoàn toàn vô hại, và đều chứa nicotine gây nghiện.
Thuốc lá làm nóng hoạt động theo cơ chế làm nóng nguyên liệu thuốc lá đến 350 độ C đủ để toả ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotine.
Sản phẩm này chỉ nên được xem là giải pháp thay thế ít tác hại hơn so với thuốc lá điếu, do loại bỏ được quá trình đốt cháy nên không tạo ra khói vốn là nguyên nhân chính gây nên các bệnh liên quan tới việc hút thuốc lá.
Ngoài ra, thuốc lá làm nóng chỉ có thể làm nóng sản phẩm thuốc lá đặc chế, nên người dùng không thể tự thay đổi hoặc điều chỉnh để sử dụng theo ý thích.
Lý giải từ góc độ khoa học cho vấn đề này, Viện Nghiên cứu R Street (Mỹ) cho biết, loại bỏ việc đốt cháy là phương pháp để sử dụng nicotine một cách an toàn hơn. Vì khi loại bỏ quá trình đốt cháy là đã có thể giảm bớt nguy cơ phơi nhiễm của cơ thể với hàm lượng các chất gây ung thư và carbon monoxide so với sản phẩm thuốc lá điếu.
Khái niệm giảm thiểu tác hại cũng được Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công nhận.
[Ngăn ngừa hệ lụy của thuốc lá thế hệ mới với giới trẻ Việt Nam]
Cho tới thời điểm hiện tại, FDA đã cho phép một số dòng sản phẩm snus (loại thuốc lá ngậm, không khói ra đời từ Thụy Điển, cũng chứa nicotine nhưng được cho là ít độc hại hơn thuốc lá điếu) và một loại sản phẩm thuốc lá làm nóng của một tập đoàn thuốc lá đa quốc gia được công bố thông tin Sản phẩm Thuốc lá Điều chỉnh Nguy cơ (Giảm thiểu Rủi ro).
Gần đây hơn, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng công nhận rằng, nicotin được cung cấp thông qua những sản phẩm có vị trí khác nhau trên chuỗi nguy cơ, trong đó sản phẩm cung cấp nicotin gây hại nhất chính là thuốc lá điếu đốt cháy.
Trả lời câu hỏi thuốc lá làm nóng có phải là thuốc lá hay không, luật sư Võ Văn Đông, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn M&K (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết khoản 1 điều 2 luật phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã định nghĩa: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác.”
Cũng theo luật sư Đông, Theo khoản 3 điều 1 luật phòng chống tác hại của thuốc lá thì “Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá.”
Như vậy có thể thấy, mặc dù khác biệt về bản chất so với thuốc lá điếu, nhưng vì cùng chứa nguyên liệu thuốc lá, nên thuốc lá làm nóng vẫn là sản phẩm thuốc lá và cần được sớm quản lý như các loại thuốc lá khác.
Được biết nội dung Công ước khung FCTC của WHO từng khẳng định thuốc lá làm nóng là thuốc lá, và cần được quản lý như thuốc lá.
Hiện nay, thuốc lá làm nóng đã có mặt trên 57 quốc gia trên thế giới bao gồm cả ở các nước như Anh, Mỹ, Nhật, Thụy Sĩ…, do đó việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá làm nóng cũng là cách thức hiệu quả để người tiêu dùng sớm được cập nhật thông tin chính thống trong việc bảo vệ sức khoẻ chính mình và cộng đồng, đồng thời góp phần hiệu quả trong việc góp phần ngăn chặn sự tiếp cận mù quáng của giới trẻ đối với các loại thuốc lá thế hệ mới./.