Ngân hàng OCB phát hành thành công thêm 1.000 tỷ đồng trái phiếu

Trong gần 5 tháng trở lại đây, OCB đã có 12 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 13.550 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có thời hạn từ 2-5 năm, lãi suất giao động từ 6%-8,1%.

Trong gần 5 tháng trở lại đây, OCB có 12 đợt phát hành trái phiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trong gần 5 tháng trở lại đây, OCB có 12 đợt phát hành trái phiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong thông báo đưa ra ngày 23/11, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho hay đã phát hành 1.000 trái phiếu mã OCB2326012 thời hạn 3 năm, huy động thành công 1.000 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm.

Như vậy, OCB là một trong những nhà phát hành trái phiếu lớn trong năm 2023. Trong gần 5 tháng trở lại đây, ngân hàng này có 12 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 13.550 tỷ đồng. Các lô trái phiếu có thời hạn từ 2-5 năm, lãi suất giao động từ 6%-8,1%.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán. Mục đích phát hành trái phiếu để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trước đó, vào ngày 22/6, OCB đã công bố nghị quyết về việc chào bán và phát hành trái phiếu riêng lẻ, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền hoặc không có bảo đảm/bảo lãnh thanh toán trong năm 2023.

Ngân hàng này dự kiến sẽ phát hành số trái phiếu trị giá 26.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, lượng trái phiếu này sẽ được phát hành thành 15 đợt, giá trị mỗi đợt từ 1.000-2.000 tỷ đồng trong quý 2, 3 và 4/2023. Nếu thực hiện thành công tất cả các đợt phát hành nói trên, OCB sẽ huy động về 26.000 tỷ đồng theo mệnh giá. Con số này cao hơn nhiều so với 12.300 tỷ đồng của năm 2022.

Về tình hình kinh doanh, tính đến hết tháng Chín, tổng tài sản của OCB tăng 11,7% so với thời điểm đầu năm lên 216.755 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của OCB là 129.562 tỷ đồng cho vay khách hàng, tăng 9,6%.

Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này cũng đạt 10,4% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,8% so với đầu năm. Trong đó, tỷ trọng tín dụng khối bán lẻ và doanh nghiệp lần lượt là 36% và 64% tổng dư nợ cho vay khách hàng (giảm nhẹ so với mức 40% và 60% cuối năm 2022). Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng 35,68% so với đầu năm, giá trị tăng khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm 3% tổng tín dụng cho vay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục