Ngân hàng Trung ương Nhật Bản can thiệp nâng giá đồng yen

Việc can thiệp thị trường tiền tệ trong hai ngày giao dịch liên tiếp là ngày 11-12/7 thể hiện mối lo ngại ngày càng tăng của các cơ quan quản lý tiền tệ Nhật Bản về sự mất giá liên tục của đồng yen.

Đồng 1000 yen của Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)
Đồng 1000 yen của Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dữ liệu công bố ngày 16/7 cho thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã can thiệp thị trường tiền tệ trong 2 ngày giao dịch liên tiếp là ngày 11-12/7.

Động thái này thể hiện mối lo ngại ngày càng tăng của các cơ quan quản lý tiền tệ Nhật Bản về sự mất giá liên tục của đồng yen.

Dữ liệu về số dư tài khoản vãng lai tại BOJ, công bố ngày 16/7, cho thấy dự kiến sẽ có sự sụt giảm thanh khoản khoảng 2.740 tỷ yen (17,3 tỷ USD) từ hệ thống tài chính liên quan đến nhiều giao dịch khác nhau trong khu vực chính phủ và theo sau dự báo tiêu hao trước đó là khoảng 600 tỷ yen.

Khoảng cách đáng kể giữa dự báo và số tiền thực tế - hơn 2.000 tỷ yen một chút - cho thấy các giao dịch không dự đoán trước được, chẳng hạn như sự can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Ông Yosuke Takahama, giám đốc điều hành của Central Tanshi, một nhà môi giới thị trường tiền tệ, cho biết dữ liệu cho thấy khả năng can thiệp mua đồng yen trị giá khoảng 2.000 tỷ yen vào ngày 12/7.

Ngày 12/7, đồng yen đã tăng lên khoảng 157,30 đổi 1 USD, mức cao nhất trong 3 tuần, từ khoảng 158,80 yen/USD trong giờ giao dịch ở New York, sau khi dữ liệu giá sản xuất của Mỹ trong tháng 6 được công bố.

Bộ Tài chính tiến hành can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách sử dụng BOJ làm đại lý.

Dữ liệu chỉ ra rằng bộ trên có thể đẩy đồng yen tăng giá khoảng 1,50 yen so với đồng USD bằng cách chi 2.000 tỷ yen.

Điều này so sánh với những biện pháp can thiệp rõ ràng vào ngày 11/7, trong đó bộ trên đã cố gắng đẩy đồng yen lên khoảng 157,40 yen/USD từ khoảng 161,50 yen/USD- tăng khoảng 4 yen với chi phí ước tính là 3.170 tỷ yen.

Ông Yujiro Goto, chiến lược gia tiền tệ tại Nomura, cho biết: “Sự can thiệp thứ hai có vẻ kém hiệu quả hơn về mặt chi phí nếu bạn nhìn vào số tiền chi tiêu so với quy mô đồng yen tăng. Nhưng bằng cách liên tục tham gia thị trường, Bộ Tài chính rõ ràng muốn thể hiện quyết tâm ngăn chặn sự trượt giá thêm của đồng yen.”

Vào ngày 16/7, đồng yen giao dịch quanh mức 158 yen/USD, do người bán yen đang chần chừ vì lo ngại về một đợt can thiệp khác.

Đầu tháng này, đồng nội tệ Nhật Bản chạm mức thấp 161,94 yen/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/1986, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ không sớm thu hẹp.

Các nhà đầu tư đang hết sức chú ý đến động thái tiếp theo của BOJ khi ngân hàng này tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 30-31/7, trong đó BOJ sẽ cung cấp thông tin chi tiết về chính sách cắt giảm lượng trái phiếu của mình.

Những người tham gia thị trường đang bị chia rẽ về việc liệu BOJ có tăng lãi suất trong cuộc họp hay không.

Một số người cho rằng sự tăng giá của đồng yen sẽ giảm bớt áp lực buộc BOJ phải thực hiện hành động thắt chặt.

Tuy nhiên, chuyên gia Goto nhận định BOJ sẽ cảm thấy “áp lực lớn hơn” khi phải thực hiện hành động thắt chặt trong cuộc họp tiếp theo.

Ông nói: “Những người tham gia thị trường sẽ kết luận rằng các biện pháp can thiệp sẽ không đạt được hiệu quả gì nếu đồng yen quay trở lại mức 160 sau cuộc họp của BOJ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục