Ngành chế tạo ôtô Mỹ 'điêu đứng' vì công nhân đình công

Giám đốc điều hành Mack Truck Martin Weissburg bày tỏ thất vọng về việc UAW quyết định bãi công thay vì cho phép các nhân viên duy trì làm việc trong khi các bên tiếp tục thương lượng.
Ngành chế tạo ôtô Mỹ 'điêu đứng' vì công nhân đình công ảnh 1Công nhân tập đoàn chế tạo ôtô General Motors tham gia cuộc đình công tại Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 22/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Song song với các cuộc bãi công của công nhân tại tập đoàn chế tạo ôtô General Motors (GM), hơn 3.600 thành viên Nghiệp đoàn công nhân ôtô Mỹ (UAW) đã đình công phản đối ban lãnh đạo của công ty con Mack Truck của tập đoàn chế tạo ôtô AB Volvo.

Cuộc đình công diễn ra trong ngày 13/10 tại những nhà máy của công ty chế tạo xe tải Mack Truck ở các bang Pennsylvania, Maryland và Florida.

Các lãnh đạo nghiệp đoàn cho biết họ đang đứng lên đòi quyền lợi, mức lương xứng đáng và sự bảo đảm việc làm cho các thành viên.

Dự kiến, nghiệp đoàn sẽ triệu tập cuộc thương lượng với giới chủ lao động vào ngày 21/10 tới, 9 ngày sau khi cuộc đình công bắt đầu.

Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Mack Truck Martin Weissburg bày tỏ thất vọng về việc UAW quyết định bãi công thay vì cho phép các nhân viên duy trì làm việc trong khi các bên tiếp tục thương lượng.

Ông Weissburg cho biết hai bên đang đạt được tiến bộ trong các cuộc thương lượng và có "quan hệ làm việc tích cực."

Theo ông Weissburg, Mack Truck không có kế hoạch đóng cửa các cơ sở chế tạo tại Mỹ mà ngược lại, công ty đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào các cơ sở này trong 10 năm qua.

Các lãnh đạo công ty tin rằng hai bên có thể đạt được thỏa thuận đảm bảo quyền lợi cho các công nhân cũng như đem lại tính cạnh tranh cho công ty.

[Honda Motor Co. - 60 năm 'trường tồn' trên thị trường Mỹ]

Cuộc đình công của công nhân Mack Truck diễn ra cùng thời điểm với cuộc đình công của UAW phản đối tập đoàn GM đã kéo dài nhiều tuần qua. Từ ngày 16/9 vừa qua, gần 50.000 công nhân GM đã nghỉ việc để tham gia cuộc đình công lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua phản đối các chính sách của tập đoàn chế tạo ôtô này.

Cuộc đình công đã khiến hoạt động sản xuất của GM tại Mỹ bị tê liệt, kéo theo đó là ảnh hưởng đến hoạt động của công ty tại Canada và Mexico, nơi hàng nghìn công nhân đã mất việc tạm thời. Giới chuyên gia nhận định cuộc đình công có thể gây thiệt hại tới 100 triệu USD/ngày cho GM.

Trong các cuộc đàm phán giữa hai bên tính đến thời điểm này, ngoài yêu cầu tăng lương và tăng quyền lợi cho công nhân, UAW còn muốn GM mở cửa trở lại 4 nhà máy đã bị đóng cửa vào tháng 11/2018.

Trong khi đó, GM đề xuất đầu tư mới hơn 7 tỷ USD vào các cơ sở sản xuất tại Mỹ, tạo thêm 5.400 việc làm mới và hứa hẹn mức lương cao hơn cho công nhân.

Ngày 4/10, ban lãnh đạo GM cho biết tập đoàn này sẽ gia hạn bảo hiểm y tế cho các công nhân trong suốt thời gian đình công.

Đây vốn được nhận định là một dấu hiệu cho thấy các bên có thể sớm đạt được thỏa thuận, mặc dù vẫn còn trở ngại về lương và bảo đảm công việc cho các công nhân mới được tuyển dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục