Ngành đồ chơi lao đao

Ngành công nghiệp đồ chơi Trung Quốc bị lao đao

Hàng trăm nhà máy đồ chơi ở Trung Quốc đã đóng cửa kể từ khủng hoảng tài chính 2008, do chi phí nguyên liệu và giá nhân công tăng.
Một robot điều khiển bằng điện thoại thông minh, với khả năng bắn đạn làm từ bọt biển và một mẫu khủng long với xương thật là các món đồ chơi mới nhất thu hút đám đông tại hội chợ đồ chơi lớn nhất châu Á diễn ra tuần này. Với hy vọng sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, khoảng 2.000 doanh nghiệp đồ chơi tới từ 43 nước đang trưng bày mặt hàng tại Hội chợ đồ chơi và trò chơi Hong Kong, vốn lớn thứ 2 trên thế giới và đã diễn ra đều đặn sang năm thứ 38. Rôbốt cao 30 mét làm từ nhựa mang tên "iDroid", với hình dáng như một kẻ hủy diệt, đeo kính phát sáng mỗi khi người ta điền khiển nó bằng điện thoại thông minh dùng các phần mềm như iOS và Android, thông qua kết nối Bluetooth. "Ý tưởng xuất hiện vào một ngày khi chúng tôi đang nghĩ về việc tìm ra cách nào đó để kết hợp công nghệ mới nhất với thứ gì đó vui vẻ dành cho trẻ con," Eddie Yu, giám đốc tiếp thị công ty sản xuất rô bốt Globalactive Technology Ltd, cho AFP biết. "Giờ thì ai cũng có điện thoại thông minh nên chúng tôi nghĩ rằng nó có thể được dùng để điều khiển đồ chơi," ông nói khi sử dụng chiếc điện thoại của mình để khiến robot nhảy điệu Moonwalk đặc trưng của ca sĩ Michael Jackson, trước sự vui thích của các khán giả trẻ. Lúc khác, rôbốt lại khai hỏa khẩu súng máy hoặc vung đôi tay máy lên, trong khi lũ trẻ cười khúc khích. Ở góc kia hội chợ, Maja von Hohenzollern, thành viên của một cựu gia đình hoàng gia ở Đức, đang giới thiệu lần đầu các sản phẩm quần áo công chúa, phụ kiện và đồ đạc liên quan dành riêng cho trẻ em. Mặc một bộ váy màu hồng sáng lấp lánh, cô gái tóc vàng mắt xanh nói: "Mọi cô bé đều có quyền được cảm thấy mình như công chúa -- một công chúa thực thụ." "Mọi món đồ chơi ở đây đều được làm dựa vào những thứ tôi từng chơi khi còn bé" - cô nói thêm.
Ngành đồ chơi gặp khó
Trong khi đủ thứ trò chơi vui vẻ diễn ra tại hội chợ, vốn kéo dài cho tới thứ Tư, các nhà sản xuất thực tế đang gặp nhiều khó khăn trên thị trường. Ngành công nghiệp đồ chơi, vốn dựa nhiều vào các nhà máy Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng từ nền kinh tế uể oải ở Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực đồng tiền chung châu Âu. Hàng trăm nhà máy đồ chơi ở Trung Quốc đã đóng cửa kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Chi phí nguyên vật liệu và giá nhân công tăng cao tại Trung Quốc đã gây thêm sức ép lên các nhà sản xuất.
Ngành công nghiệp đồ chơi Trung Quốc bị lao đao ảnh 1
Ngành đồ chơi đang gặp khó khăn (Nguồn: AFP)
Công ty Trung Quốc Shantou Qunsheng Toys vốn có hơn 5.000 nhà máy ở tỉnh Quảng Đông. Công ty này, chuyên làm các trò chơi xếp hình và đồ chơi nhựa rẻ tiền, nói rằng họ đã phải đóng cửa từng nhà máy một. "Doanh số đã tụt rất mạnh - khoảng 30-40% chỉ trong năm ngoái" - giám đốc kinh doanh Maggie Chen nói với AFP - "Nhưng hoạt động làm ăn vẫn đi xuống. Chuyện này thực sự rất tệ." "Chúng tôi phải tìm thị trường mới bên ngoài Mỹ và châu Âu. Có thể chúng tôi sẽ có cơ hội tốt hơn tại Nam Phi, Nam Mỹ, Trung Đông hoặc Nga." Với Philippe Rousseau, giám đốc công ty OID Magic trụ sở tại Pháp, chi phí tăng cao tại lục địa Trung Quốc làm công ty của ông hao hụt lợi nhuận. "Giá nhân công và vật liệu tăng đã gây ảnh hưởng tới chúng tôi" - ông nói. Thật may mắn rằng một số người tiêu dùng vẫn giữ thói quen ném tiền vào đồ chơi. "Những người tới đây đã sẵn sàng để tiêu tiền" - nhà sản xuất đồ chơi người địa phương, Calvin Lam nói - "Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng doanh số thường niên từ 10-20% ". Nhưng không phải ai cũng thích thú với đồ chơi - khoảng một chục người biểu tình đã gây chú ý trong những ngày đầu của hội chợ, vốn diễn ra hôm thứ Hai, khi phản đối cái mà họ gọi là sự thiếu cải thiện điều kiện lao động cho các công nhân sản xuất đồ chơi Trung Quốc. Vẫy một khẩu hiệu lớn mang tiêu đề "Toy Un-Fair" (tạm dịch Đồ chơi không công bằng), những người biểu tình tố cáo các nhà cung cấp đồ chơi lớn ở Trung Quốc xuất sang Mỹ đã vi phạm luật lao động. "Giờ làm thêm kéo dài, tiêu chuẩn lao động tồi và sự thiếu bảo hiểm xã hội tại cá cnhà máy này chỉ là một trong số những thứ mà các công ty Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ không đề cập tới" - người biểu tình Debbie Chan nói với AFP./.
Gia Bảo (AFP/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục