Theo dự báo của ngành da giày Việt Nam, năm 2017, sản xuất và xuất khẩu của ngành sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2016.
Cụ thể chỉ số sản xuất ngành công nghiệp có thể đạt khoảng 5%, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 18 tỷ USD, tăng trên 10% so với năm 2016.
Các chuyên gia dự báo, kinh tế thế giới có xu hưởng khởi sắc hơn năm 2016 và Trung Quốc tiếp tục chủ trương cắt giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may, da giày để tập trung vào các ngành có công nghệ cao hơn, nên khả năng một số đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực trong năm 2018 để đẩy mạnh xuất khẩu sản phầm da giày theo hướng khai thác lợi thế và tiềm năng mở cửa thị trường tại các nước tham gia FTA mà Việt Nam đã ký.
Ngoài ra, ngành da giày đổi mới mô hình sản xuất, tham gia các chuỗi sản xuất da giày trong nước, khu vực và toàn cầu; đồng thời, đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại hóa và mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách, theo Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp da giày trong nước phải tự vươn lên, thay đổi hình thức sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, chủ động hội nhập để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam cho biết năm 2016 xuất khẩu toàn ngành đạt 16,2 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2015, thấp hơn mức tăng 23,6% của năm 2014; trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 13 tỷ USD, tăng 8,2% và túi xách, đồ da các loại đạt 3,2 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2015. Xuất khẩu giày dép đang đứng thứ tư và vali-túi-cặp đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo đánh giá của Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, chỉ số sản xuất ngành da giày cả năm 2016 chỉ tăng 3,7% so với năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức tăng 17,4% năm 2015, và 22% của năm 2014.
Sản xuất da giày tăng trưởng thấp một phần do năm 2016 kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhu cầu thị trường trên thế giới giảm, nhất là tại EU. Trong nước, tình hình tình hình kinh tế khó khăn thiên tai, lũ lụt... cũng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân./.