Ngành đánh bắt hải sản lao đao vì quy định mới

Theo FAO, quy chế mới của các nước phát triển đã "bóp nghẹt" ngành đánh bắt và xuất khẩu hải sản của các nước đang phát triển.

Ngày 26/4, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) lên tiếng cảnh báo khủng hoảng kinh tế toàn cầu và quy chế mới của các nước phát triển về nhập khẩu hải sản đã "bóp nghẹt" ngành đánh bắt và xuất khẩu hải sản của các nước đang phát triển.

FAO cho biết quy chế mới yêu cầu các nguồn hải sản xuất sang các nước phát triển phải có chứng nhận khai thác bền vững khiến các nước đang phát triển gặp khó khăn rất lớn khi đưa các nguồn hải sản đánh bắt tới thị trường này.

Hơn 50% tổng nguồn hải sản của các nước đang phát triển xuất khẩu sang các nước phát triển với giá trị xuất khẩu 43 tỷ USD mỗi năm.

Ngành đánh bắt hải sản ở các nước đang phát triển sử dụng tới 45 triệu lao động cùng với hơn nửa tỷ người khác sống phụ thuộc vào nguồn hải sản đánh bắt này.

FAO nêu rõ với quy chế mới, các nước phát triển hy vọng có thể chống lại hiệu quả việc đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo sản lượng và khai thác hải sản không bền vững.

Tuy nhiên, quy chế này buộc các nước nghèo phải đầu tư nguồn tài chính lớn để mua công nghệ hiện đại, tuân thủ các quy chế khai thác nghiêm ngặt hơn và các thủ tục giấy tờ mới phức tạp hơn để xuất khẩu nguồn hải sản sang các thị trường phát triển.

Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm giảm mạnh sản lượng hải sản xuất khẩu năm 2009 cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu so với hơn 100 tỷ USD của năm 2008, trong đó giá trị xuất khẩu hải sản vào Liên minh châu Âu (EU) giảm 6%.

FAO nhấn mạnh cần tìm kiếm giải pháp để các nước xuất và nhập khẩu hải sản cùng tạo ra môi trường hai bên có thể cùng chấp nhận để thúc đẩy ngành đánh bắt của các nước đang phát triển có thể đi lên mà vẫn đáp ứng được các thách thức của quá trình phát triển bền vững.

Các quy chế tiếp cận thị trường cần có những khuyến khích để đạt được phát triển bền vững và không tạo ra hàng rào cản trở xuất khẩu hải sản của các nước đang phát triển.

FAO cũng kêu gọi các nước đang phát triển quản lý hiệu quả hơn để tránh khai thác cạn kiệt và sử dụng lãng phí các nguồn các nguồn hải sản dự trữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục