Ngành điều Việt Nam trước thách thức giữ vững ngôi vị số 1 thế giới

Sản phẩm chế biến từ hạt điều vẫn chưa đa dạng, chủ yếu dạng thô nên giá trị gia tăng vẫn còn thấp, việc liên kết, hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị còn yếu là những thách thức với ngành điều.
Ngành điều Việt Nam trước thách thức giữ vững ngôi vị số 1 thế giới ảnh 1Chế biến điều xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Việt Nam luôn giữ vững vị trí số một thế giới, với giá trị khoảng 3 tỷ USD/năm.

Được xem là quốc gia sản xuất hạt điều hàng đầu thế giới, tuy nhiên ngành điều Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen trong bối cảnh phải cạnh tranh khốc liệt với những nước như Campuchia và một số nước châu Phi.

Thách thức với “cây tỷ đô”

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển cây điều ở Việt Nam nói chung và “thủ phủ” điều Bình Phước nói riêng vẫn còn nhiều dư địa và đan xen thách thức. Theo đó, sản phẩm chế biến từ hạt điều vẫn chưa đa dạng, chủ yếu dạng thô nên giá trị gia tăng vẫn còn thấp, sức cạnh tranh một số sản phẩm vẫn còn kém; việc liên kết, hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị còn yếu, đặc biệt là khâu xúc tiến thương mại, liên kết với các đối tác nước ngoài có thị trường tiềm năng.

Cùng với đó, liên kết vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế; chỉ dẫn địa lý, phát triển thương hiệu, bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ quốc tế cho cây điều vẫn chưa thực hiện được nhiều; kỹ thuật canh tác, chuyển giao giống điều vẫn còn những hạn chế nhất định.

“Ngành điều của nước ta hiện đang đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu là rất lớn; khả năng cạnh tranh khốc liệt khi Campuchia, các nước Tây Phi và Đông Phi có quỹ đất lớn cũng đang đẩy mạnh phát triển cây điều và ngành chế biến, xuất khẩu nhân điều” - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) Trần Công Khanh nhấn mạnh.

[Xuất khẩu hạt điều của tỉnh Bình Phước vẫn đạt 1 tỷ USD]

Tỉnh Bình Phước được xem là “thủ phủ” điều của Việt Nam khi chiếm tới hơn 50% diện tích và 50% sản lượng điều của cả nước.

“Trên địa bàn Bình Phước hiện có hơn 152.000ha điều, sản lượng 170.000 tấn/năm. Do điều kiện tự nhiên phù hợp, đồng thời người dân đưa vào canh tác các giống điều cao sản, thích hợp với tiểu vùng sinh thái, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào thâm canh, chăm sóc giúp năng suất cây điều của Bình Phước đạt cao,” Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước, ngành chế biến điều hiện cũng trở thành ngành công nghiệp chủ lực, thế mạnh của tỉnh. Hiện nay trên địa bàn có 1.416 cơ sở chế biến điều, lớn nhất cả nước.

Mỗi năm ngành công nghiệp chế biến điều của Bình Phước đóng góp từ 27-45% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của Bình Phước đạt 1,045 tỷ USD.

Công nghiệp chế biến điều đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.

Sau chế biến, sản phẩm hạt điều của tỉnh Bình Phước xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như châu Âu, Mỹ, Nhật, Australia, Trung Quốc..., chiếm khoảng 70% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới, góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 80.000 lao động tại các cơ sở chế biến hạt điều và lao động thu hái tại vườn.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, ngành điều của địa phương còn nhiều khó khăn, thách thức. Các cơ sở chế biến điều trên địa bàn hiện vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu; nguồn cung hạt điều thô của tỉnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% công suất chế biến của tỉnh, trong khi 70% nguyên liệu hạt điều thô phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu từ Indonesia, Campuchia, châu Phi.

Các cơ sở chế biến điều trên địa bàn phần lớn chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; chưa hỗ trợ, ký kết hợp đồng thu mua với người trồng điều, nên nguồn nguyên liệu chưa ổn định, thiếu hụt nguyên liệu trong nước để chế biến.

Ngoài ra, sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong chuỗi sản xuất-chế biến-kinh doanh chưa chặt chẽ; nhiều cơ sở chế biến điều ở quy mô siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế.

“Thời gian qua, Trung Quốc giảm nhập khẩu hạt điều từ Bình Phước và điều Việt Nam nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ các nguồn cung tại châu Phi như Bờ Biển Ngà, Togo, Tanzania, Benin. Do đó, ngành điều Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước khác. Bên cạnh, thời gian qua EU cũng giảm nhập khẩu hạt điều từ Bình Phước nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà. Trong chuỗi giá trị ngành điều toàn cầu, Việt Nam mới chỉ chiếm 30%, giá trị còn lại thuộc về nhà phân phối, rang chiên quốc tế,” đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cho biết.

Nâng cao chuỗi giá trị

Tại “thủ phủ điều” Bình Phước, nhiều người biết “vua điều” Dụng Quý Đông, với thâm niên hơn 40 trồng điều. Theo ông Đông, muốn tạo giá trị gia tăng cao cho trái điều thì không có con đường nào khác ngoài con đường áp dụng các tiêu chuẩn canh tác hữu cơ organic mới đáp ứng được yêu cầu cao của người tiêu dùng ở những thị trường như Mỹ, châu Âu.

Ngành điều Việt Nam trước thách thức giữ vững ngôi vị số 1 thế giới ảnh 2Mô hình trình diễn tại Công ty Cổ phần công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Để theo đuổi giấc mơ điều organic, năm 2017 ông Đông đã bắt tay vào canh tác hữu cơ. Với quy trình gắt gao do các cơ quan châu Âu giám sát, từ khâu làm đất, giống, quy trình chăm sóc, chất lượng hạt… Sau 2 năm, ông Đông được cấp chứng nhận canh tác hữu cơ đạt tiêu chuẩn của Mỹ và EU.

Ông Đông cho biết hiện nay tổng diện tích trồng điều của gia đình ông là 420ha; trong đó, có 200ha đã được chứng nhận organic theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ.

“Cần xây dựng các mô hình liên kết sản xuất điều theo hướng hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và trồng thâm canh giống điều mới nhằm nâng giá trị gia tăng cho người dân trồng điều. Bên cạnh, phát triển các hợp tác xã kiểu mới để sản xuất điều thâm canh, liên kết sản xuất, tạo các vùng nguyên liệu tập trung có sản lượng và chất lượng cao, tiến tới xây dựng các mô hình sản xuất điều có chứng nhận, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm điều,” ông Trần Công Khanh nhận định.

Ông Khanh cũng cho rằng cần áp dụng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch trong canh tác cây điều; đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh để đảm bảo năng suất và chất lượng nguyên liệu nông sản.

Thay đổi tư duy trong sản xuất

Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam Bạch Khánh Nhựt cho rằng ngành điều Việt Nam sau hơn 40 năm hình thành và phát triển đã có bước tiến dài. Từ chỗ mày mò học hỏi thiết bị công nghệ chế biến điều của nước ngoài, giờ đây đã trở thành nước làm chủ công nghệ, đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều, chiếm tới hơn 75% lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới.

“Tuy nhiên, một nghịch lý là trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới thì những năm gần đây, lượng nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam để làm thêm một vài công đoạn rồi xuất khẩu lại tăng nhanh. Đây là hệ quả của việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước,” ông Bạch Khánh Nhật nhấn mạnh.

Về giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược để ngành điều Việt Nam nói chung, ngành điều Bình phước nói riêng, theo ông Bạch Khánh Nhật, phải chuyển mạnh sang chế biến sâu với những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu, thị hiếu khác nhau của “người tiêu dùng cuối cùng.”

Một vấn đề được Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước đặt ra đó là vấn đề chỉ dẫn địa lý. Tháng 3/2018, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” có hiệu lực vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bình Phước, việc bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” đã mở ra nhiều cơ hội to lớn cho ngành điều. Đây là một sở hữu trí tuệ chung, là hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ trí tuệ cao, gắn với chỉ dẫn về nguồn gốc của sản phẩm, do đó cho phép doanh nghiệp, người dân sử dụng để từng bước tiếp cận phát triển thị trường, đặc biệt ở các thị trường khó tính, là cơ hội để đưa các sản phẩm hạt điều Bình Phước ra thị trường quốc tế.

“Chúng ta đều biết và đang nỗ lực làm là cần sự triển khai đồng bộ các giải pháp và việc làm cụ thể. Sự chung sức đồng lòng của mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều cùng sự hỗ trợ hiệu quả của nhà nước. Từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản đến đầu tư, quản trị dây chuyền chế biến tiên tiến, hiện đại đạt tiêu chuẩn cao; đầu tư cho nghiên cứu thị trường, phát hiện và khơi dậy nhu cầu, từ đó sáng tạo sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời có những phương thức quảng bá năng động, sáng tạo để nhanh chóng đưa sản phẩm điều đến với người tiêu dùng trong nước và thế giới,” ông Bạch Khánh Nhựt nhận định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục