Ngành kinh doanh điện thoại ở Triều Tiên đang lách trừng phạt thế nào?

Các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc áp đặt vào năm 2017 vì các chương trình vũ khí của Triều Tiên đã cấm nước này nhập khẩu phần cứng điện thoại di động.
Một người Triều Tiên đang dùng điện thoại đi động ở Bình Nhưỡng. (Nguồn: Reuters)

Triều Tiên đang tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ và quốc tế để kiếm tiền từ nhu cầu điện thoại thông minh trong nước tăng vọt, bằng cách sử dụng hàng nhập khẩu phần cứng giá rẻ qua các kênh trung gian để tạo ra những sản phẩm điện thoại "Made in North Korea" hay "Made in DPRK."

Các nhà kinh tế ước tính có đến sáu triệu người Triều Tiên - một phần tư dân số - hiện có điện thoại di động, một công cụ quan trọng để tham gia vào nền kinh tế thị trường phi chính thức đã trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều người dân nước này.

Reuters được cho là đã phỏng vấn với khoảng 10 người mà hãng tin này gọi là những người đào thoát khỏi Triều Tiên và các chuyên gia về việc sử dụng thiết bị di động ở một trong những quốc gia bí ẩn nhất thế giới, cũng như xem xét các báo cáo, quảng cáo trên phương tiện truyền thông nhà nước và kiểm tra hai điện thoại thông minh mang thương hiệu Triều Tiên.

Các điện thoại do Triều Tiên sản xuất có thành phần linh kiện bên trong gồm chip bán dẫn từ Đài Loan, pin được sản xuất tại Trung Quốc và một phiên bản hệ điều hành Android nguồn mở của Google (Mỹ).

Các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc áp đặt vào năm 2017 vì các chương trình vũ khí của Triều Tiên đã cấm nước này nhập khẩu phần cứng điện thoại di động.

[Triều Tiên phát hành điện thoại thông minh do Trung Quốc sản xuất]

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xác nhận việc tồn tại các mạng di động không dây - một số trong đó được cho là được xây dựng với sự giúp đỡ của hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei - và các thương hiệu điện thoại di động nội địa thông qua các bài phát biểu công khai và một chuyến tham quan tới một nhà máy sản xuất điện thoại di động được báo chí nhà nước đưa tin.

Các sản phẩm điện thoại di động cơ bản của Triều Tiên thường có giá từ 100 đến 400 USD tại cửa hàng của nhà nước hoặc thị trường tư nhân. Việc đăng ký dùng mạng di động được thực hiện tại các cửa hàng của Bộ Viễn thông.

Điện thoại thường được bán kèm gói dịch vụ bao gồm 200 phút gọi. Gói trả trước có giá khoảng 13USD cho 100 phút gọi. Múc giá đó tương đương hoặc cao hơn so với ở các quốc gia khác, trong khi người Triều Tiên chỉ kiếm chính thức được trung bình khoảng 100 USD mỗi tháng, chỉ bằng khoảng 4% thu nhập của người dân nước láng giềng miền Nam - theo dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc.

Các thương hiệu quốc tế như iPhone của Apple không được bán công khai, nhưng các thương nhân và người Triều Tiên giàu có có thể mua chúng ở nước ngoài và sử dụng chúng với thẻ SIM nội địa.

Điện thoại do Triều Tiên sản xuất chỉ có thể được sử dụng để gọi các số trong nước và có một số tính năng bảo mật riêng biệt.

Việc tải xuống hoặc chuyển tập tin bị hạn chế nghiêm trọng. Phóng viên Reuters đã nhìn thấy một cảnh báo bật lên khi cài đặt chương trình không xác định của Google trên điện thoại thông minh Bình Nhưỡng 2418 (Pyongyang 2418): Nếu bạn cài đặt các chương trình bất hợp pháp này, điện thoại của bạn có thể bị hỏng hoặc dữ liệu sẽ bị hủy.

"Triều Tiên đưa các thuật toán và phần mềm vào điện thoại di động để giữ dữ liệu không bị sao chép hoặc chuyển tiếp," ông Lee Young-hwan, chuyên gia phần mềm Hàn Quốc nghiên cứu về điện thoại thông minh của Triều Tiên nói.

Các ứng dụng như bản đồ, trò chơi và từ điển tiếng Anh trên điện thoại cho thấy chúng được phát triển bởi các kỹ sư Triều Tiên tại các doanh nghiệp nhà nước hoặc các trường đại học.

Theo công ty an ninh mạng có trụ sở tại Anh, Hacker House, chính quyền Triều Tiên cũng đã phát triển một công cụ giám sát được cấy bên trong điện thoại di động.

Khi người dùng truy cập nội dung bất hợp pháp hoặc không được nhà nước phê duyệt, một cảnh báo sẽ được tạo và lưu trữ bên trong điện thoại. Một phiên bản sửa đổi của Android cũng có chức năng giám sát người dùng.

Đại diện của Triều Tiên tại Liên hợp quốc đã từ chối bình luận về thông tin mà Reuters đăng tải.

Điện thoại - món tài sản lớn, công cụ để kinh doanh

Điện thoại là một tài sản lớn và cũng là một công cụ đắc lực hỗ trợ kinh doanh cho nhiều người dân ở Triều Tiên.

Một phụ nữ trẻ người Triều Tiên tên là Choi nhớ lại cô đã kiếm được 1.300 nhân dân tệ Trung Quốc (183 USD) nhờ bán hai con lợn và buôn lậu thảo dược từ Trung Quốc để mua điện thoại di động vào năm 2013.

Cô đã sử dụng chiếc điện thoại này để điều hành thành công một doanh nghiệp bán lẻ bán quần áo và dầu gội từ Trung Quốc, sắp xếp việc giao hàng từ các nhà bán buôn.

Choi cho biết công việc phi chính thức này đã giúp cải thiện rất nhiều kinh tế gia đình và bản thân.

Theo Reuters, trong một cuộc khảo sát năm nay với 126 người được cho là đào thoát khỏi Triều Tiên thì có hơn 90% trong số đó cho biết điện thoại di động đã cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ và khoảng một nửa cho biết họ sử dụng chúng cho các hoạt động kinh doanh phi chính thức.

Hàng loạt linh kiện nước ngoài trong điện thoại "Made in North Korea"

Hai điện thoại thông minh mang nhãn hiệu Bình Nhưỡng do Reuters kiểm tra, được cung cấp sức mạnh từ chip xử lý của Đài Loan Mediaek và chạy phiên bản hệ điều hành Android của Google, cùng với phần mềm bảo mật của Triều Tiên. Một poster quảng cáo cho một chiếc điện thoại mang nhãn hiệu Arirang ở Triều Tiên cũng cho biết nó sử dụng chip của MediaTek.

Một người dân Triều Tiên nghe điện thoại ở trung tâm Bình Nhưỡng. (Nguồn: Reuters)

Điện thoại thông minh Bình Nhưỡng 2423 được sản xuất năm ngoái có chipset Mediatek MT6737 và khe cắm cho một thẻ SIM và một thẻ nhớ. Số sêri thẻ nhớ cho thấy nó được sản xuất bởi nhà sản xuất chip Nhật Bản Toshiba.

Số nhận dạng của thiết bị cho thấy điện thoại được sản xuất bởi công ty Gionee của Trung Quốc, một nhà sản xuất điện thoại thông minh cấp thấp.

Google cho biết bất kỳ nhà sản xuất phần cứng nào cũng có thể sử dụng phần mềm Android nguồn mở miễn phí, có nghĩa là không có quy định xuất khẩu nào bị vi phạm liên quan đến điện thoại thông minh của Triều Tiên.

Mediatek cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng họ không chuyển bất kỳ sản phẩm nào tới Triều Tiên và hoàn toàn tuân thủ các lệnh trừng phạt. Toshiba cũng khẳng định như vậy.

Gionee đã không có bình luận gì.

Kim Bong-sik, một nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Xã hội Thông tin Hàn Quốc nhận định Triều Tiên không thể sản xuất điện thoại mà không sử dụng các linh kiện và công nghệ nước ngoài. Điều đó có nghĩa là nước này vi phạm các lệnh trừng phạt để duy trì ngành kinh doanh điện thoại di động.

Dữ liệu hải quan chính thức cho thấy Triều Tiên đã nhập khẩu điện thoại di động trị giá 82 triệu USD từ Trung Quốc vào năm 2017, mặt hàng nhập khẩu lớn thứ ba sau dầu đậu nành và vải.

Tuy nhiên, con số đó giảm xuống bằng 0 trong năm 2018 như một hệ quả của các lệnh trừng phạt mới.

Nhưng các chuyên gia cho biết trong khi các lệnh trừng phạt loại bỏ việc nhập khẩu chính thức, thì các hoạt động thương mại không chính thức dọc biên giới Trung Quốc-Triều Tiên dường như đang diễn ra.

William Brown, một quan chức tình báo Mỹ đã nghỉ hưu, nghiên cứu về Triều Tiên cho biết các bộ phận phần cứng điện thoại di động, rất dễ bị buôn lậu qua biên giới Trung Quốc.

Các bên trung gian nhiều lớp gây khó khăn cho việc xác định chính xác những người chịu trách nhiệm cho việc vi phạm các biện pháp trừng phạt - ông Brown nói thêm.

Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, và ngành công nghiệp điện thoại di động của họ rất đông đảo các nhà sản xuất điện thoại thông minh nội địa ít được biết đến.

Các thương hiệu viễn thông lớn của Trung Quốc trước đây cũng đã cung cấp linh kiện, thiết bị cho Triều Tiên.

Theo Viện Nautilus của Mỹ và nhóm giám sát 38North, Huawei đã cung cấp thiết bị mạng 3G cho Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong-un, thăm trụ sở của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào năm 2006.

Bộ Thương mại Mỹ đã điều tra Huawei từ năm 2016 và đang xem xét liệu công ty Trung Quốc có vi phạm các quy tắc kiểm soát xuất khẩu liên quan đến lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên hay không.

ZTE Corp, một hãng công nghệ khác của Trung Quốc, năm ngoái đã đồng ý nộp phạt 1 tỷ USD vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến việc vận chuyển thiết bị viễn thông cho Iran và Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục