Ngành ngân hàng tìm cách hỗ trợ DN Bình Dương khôi phục sản xuất

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại phải cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Ngành ngân hàng tìm cách hỗ trợ DN Bình Dương khôi phục sản xuất ảnh 1Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì hội nghị trực tuyến. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 22/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Doanh nghiệp đã được vay ưu đãi 223.000 tỷ đồng

Bình Dương hiện đứng thứ 2 cả nước về số ca lây nhiễm dịch COVID-19. Trước tác động của dịch bệnh, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, buôn bán nhỏ lẻ phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, giảm tối đa công suất; các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy… từ đó ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội nói chung và hoạt động ngân hàng trên địa bàn nói riêng.

Dù vậy, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cho biết thời gian qua trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.700 khách hàng với tổng giá trị nợ 10.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, hạ lãi suất cho gần 69.300 khách hàng với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.188 tỷ đồng.

[Tăng trưởng tín dụng: Kỳ vọng phục hồi khi bình thường mới]

Đặc biệt, cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 223.000 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 13.300 khách hàng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương, các kết quả này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh góp phần quan trọng trong việc ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đến cuối tháng Chín, dư nợ tín dụng của Bình Dương đạt khoảng 241.000 tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2020 (thấp hơn so với mức tăng tín dụng chung toàn quốc là 7,54%); tỷ lệ nợ xấu mặc dù được kiểm soát ở mức dưới 1%, song có xu hướng tăng so với đầu năm và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp bị thua lỗ, tạm dừng hoạt động, mất thị trường tiêu thụ, không có khả năng thanh toán nợ vay do ảnh hưởng của dịch.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hội nghị được tổ chức nhằm đối thoại, trao đổi giữa các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp liên quan đến triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID.

Cũng theo Phó Thống đốc, tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp và cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19, song toàn ngành đã quyết tâm vượt qua khó khăn, điều chỉnh lại kế hoạch, chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Doanh nghiệp mong gói cấp bù lãi suất cho vay

Mặc dù đánh giá cao những hỗ trợ từ phía ngân hàng, để phục hồi sản xuất kinh doanh, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã đề nghị ngân hàng giảm tiếp lãi suất cho vay. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sớm có gói cấp bù lãi suất cho vay mức 3%-4%.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, hầu hết các Hiệp hội doanh nghiệp đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh gia hạn nợ gốc và lãi cho các doanh nghiệp từ 3-18 tháng.

Bên cạnh đó, theo vị đại diện này, các doanh nghiệp cũng kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất và giảm phí để các doanh nghiệp có điều kiện bổ sung vốn vào sản xuất kinh doanh.

“Doanh nghiệp cũng mong muốn thủ tục gia hạn được đơn giản, không yêu cầu quá nhiều thủ tục gia hạn nợ theo quy định tại Thông tư 14 vì hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và “nằm im” trong thời gian qua, nếu yêu cầu nhiều thủ tục thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ không đáp ứng được,” vị đại diện trên kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, thời gian qua các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay tuy nhiên, vẫn chưa đủ so với những khó khăn của doanh nghiệp. Ông Thanh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có gói hỗ trợ lãi suất cho vay với quy mô 1-2 tỷ USD thì mới đủ lực cứu doanh nghiệp.

Ngoài mong giảm lãi suất, nhiều doanh nghiệp còn đề nghị được thế chấp bằng quyền thu nợ để tăng khả năng tiếp cận vốn và kéo dài thời gian cơ cấu nợ dài hơn so với quy định là ngày 30/6/2022 tại Thông tư 14. 

Tiếp thu các ý của các doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng thương mại phải cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

“Còn gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách cụ thể ra sao, Chính phủ đang nghiên cứu và áp dụng sớm nhất có thể,” ông Tú nói.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng đẩy mạnh triển khai cam kết giảm lãi suất dư nợ hiện hữu quy mô trên 20.613 tỷ đồng của 16 ngân hàng thương mại (riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho các khách hàng). Rà soát quy định nội bộ về thủ tục, quy trình cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng hỗ trợ, phù hợp với thực tế dịch bệnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận được chính sách.

Phó Thống đốc cũng yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thống nhất, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả trong toàn hệ thống chính sách cho vay vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất.

“Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, cùng với các Sở, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp tục phối hợp các nhiệm vụ giúp cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới," Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị.

Phó Thống đốc cũng khẳng định hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, khả năng chống chịu ngày càng suy giảm khi dịch bệnh kéo dài. Vì vậy, vẫn cần những hỗ trợ tích cực và trách nhiệm hơn từ phía các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất.

Ông Tú nhấn mạnh mọi hoạt động của ngành ngân hàng phải hài hòa giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng và cho từng tổ chức tín dụng, không chỉ trong ngắn hạn. 

Về phía ngành thuế, ông Nguyễn Minh Tâm, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Dương cho biết với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ngành thuế Bình Dương sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai nhiệm vụ được giao trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu hiệu quả, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, thành phố, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh sử dụng điện tử trong các công tác quản lý để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Cục Thuế tỉnh đang tiếp tục triển khai các ứng dụng trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Hải quan trong việc giải quyết nghĩa vụ tài chính về đất đai, đăng ký thuế, trao đổi thông tin về doanh nghiệp, thực hiện tra cứu nợ thuế hải quan để giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế…

Ở lĩnh vực hải quan, cục Hải quan tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt giữa nhiệm vụ thu với công tác tạo thuận lợi thương mại, tiếp tục nắm sát tình hoạt động và số thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp, hỗ trợ thông quan nhanh hàng hóa, hoàn thuế kịp thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp tái đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cho hay ngành đã nhanh chóng lên nhiều kịch bản, phương án để đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khó. Nhiều chính sách hỗ trợ trước mắt đã được áp dụng, như phối hợp với các chi cục chủ động nắm bắt các khó khăn để kịp thời xử lý, hỗ trợ cho doanh nghiệp; tiếp tục nắm thông tin, theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để nắm bắt tình hình số thu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tổ chức các buổi đối thoại, thăm hỏi, động viên các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất để tạo việc làm cho người lao động và đóng góp nguồn thu ngân sách./.

Đến nay các tổ chức tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khoảng 531.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 5,2 triệu tỷ đồng cho hơn 800.000 khách hàng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục