Ngành nông nghiệp duy trì sản xuất, thích ứng linh hoạt với đại dịch

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, người nông dân cần chuyển biến triệt để tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, chú trọng khâu phân phối, kết nối tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản.
Ngành nông nghiệp duy trì sản xuất, thích ứng linh hoạt với đại dịch ảnh 1Mô hình trông dưa lưới trong nhà kính mang lại nguồn thu nhập ổn định.cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Dịch COVID-19 bùng phát đã tác động xấu đến nhiều ngành, lĩnh vực khiến hoạt động sản xuất phải tạm dừng để ngăn dịch bệnh lây lan, người lao động mất việc, đời sống gặp nhiều khó khăn…

Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp một vẫn tiếp tục thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung cả nước.

Để có kết quả này, bên cạnh những yếu tố thuận lợi mang tính đặc thù, thì vai trò của hội viên nông dân là rất quan trọng, luôn sáng tạo trong hoạt động sản xuất, nhằm thích ứng với tình hình mới.

Giữ vững tăng trưởng dương

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nông nghiệp là ngành duy nhất có tăng trưởng dương trong quý 3/2021 và duy trì xuất siêu ở mức 3,3 tỷ USD.

Đây là kết quả của sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành chức năng, hội viên Hội Nông dân và cộng đồng doanh nghiệp trong hành trình vượt khó.

Con số xuất khẩu nông sản ấn tượng trên đã chứng tỏ sự nỗ lực rất lớn của người nông dân trong việc thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông sản và du lịch Tam Điệp (Ninh Bình) Trịnh Văn Tiến cho biết hiện hợp tác xã đã xây dựng được khu nông trại rộng 25ha, nuôi các con đặc sản như hươu, nai, ngựa, dê núi…

Trong bối cảnh dịch COVID-19, hợp tác xã đẩy mạnh chuyển sang chế biến sẵn các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm từ thịt con đặc sản, đồng thời, chủ động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, livestream quảng bá và bán sản phẩm trên mạng xã hội...

Nhờ đó sản phẩm nông sản đặc sản vẫn được tiêu thụ ổn định, thậm chí giá một số nông sản đặc sản còn tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhờ nuôi con đặc sản, 9 tháng đầu năm nay hợp tác xã có doanh thu hơn 5 tỷ đồng, trừ chi phí vẫn có lãi; điều quan trọng tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Chia sẻ thành công, ông Trịnh Văn Tiến cho rằng, nông dân cần linh hoạt, chịu khó học hỏi kiến thức, kỹ năng để chuyên nghiệp hoá ngành, nghề mình đang sản xuất, kinh doanh. Cách tốt nhất là hình thành chuỗi liên kết hợp tác xã, trong đó doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi giá trị.

Không chỉ có hợp tác xã của ông Tiến, nhiều mô hình sản xuất nông sản với quy mô lớn trên cả nước đã linh hoạt trong việc phân phối sản phẩm, duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho nông dân trong mùa dịch.

["Hai vấn đề cần tư duy lại trong tiêu thụ nông thủy sản ở ĐBSCL"]

Ông Võ Tiến Huy - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Huy (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, dịch bệnh bùng phát nên hợp tác xã của ông chỉ có 11 lao động đang làm việc trực tiếp nhưng lại liên kết sản xuất với 40 hộ dân, tổng diện tích đất nông nghiệp hơn 45ha.

Để đảm bảo an toàn, ông Huy cho hay, tất cả nông dân tham gia chế biến, đóng gói sản phẩm đều làm việc giãn cách theo dây chuyền, hạn chế tiếp xúc. Thậm chí, toàn bộ lái xe chở hàng đều không được rời khỏi cabin, sẽ có lực lượng khử khuẩn rồi bốc hàng lên xe sau đó đưa đến nơi tiêu thụ để đảm bảo phòng, chống dịch.

Năm qua, Hợp tác xã Tiến Huy đã cung cấp ra thị trường 4.000 tấn rau, củ, quả các loại mang lại doanh thu 18 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí đạt lợi nhuận hơn 6 tỷ đồng.

Kết nối tiêu thụ nông sản

Giữa tháng 8/2021, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội, gây khó khăn trong khâu lưu thông, vận chuyển nên nguồn nông sản dồi dào của các tỉnh miền Tây bị ùn ứ, không thể tiêu thụ.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố, đồng thời hỗ trợ người dân ở các địa phương lân cận tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác đặc biệt phía Nam (Tổ công tác 970) để kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản với trên 1.400 đầu mối.

Từ các đầu mối kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, đã chính thức ra mắt Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, với mục tiêu tạo không gian mở cho người bán-người mua nông sản gặp nhau.

Từ khi thành lập đến nay, định kỳ mỗi tuần một lần, Diễn đàn tổ chức các cuộc kết nối giữa nông dân, hợp tác xã sản xuất, cung ứng nông sản với các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ với sự hỗ trợ, đồng hành của ngành chức năng và chính quyền địa phương.

Nhiều diễn đàn đã ra đời như: Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, trái cây của Đồng Tháp, Sóc Trăng; Diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Nguyên; Diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bình Dương; Diễn đàn kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các tỉnh phía Nam...

Ngành nông nghiệp duy trì sản xuất, thích ứng linh hoạt với đại dịch ảnh 2Kết nối giúp tiêu thụ nông sản cho người nông dân. (Ảnh: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Tại các diễn đàn, nhiều biên bản hợp tác đã được ký kết, doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin về nông sản, đặc sản của các địa phương, đồng thời "đặt hàng" lại các nhà sản xuất để đảm bảo sản phẩm đúng tiêu chuẩn, được đóng gói đúng quy cách.

Có thể thấy, diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản không đơn thuần là giúp doanh nghiệp tìm được nguồn hàng, mà còn giúp các cơ quan Nhà nước thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo điều hành từ địa phương cho đến cả nước.

Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp sẽ có những chỉ đạo sát với thực tế. Thông qua diễn đàn, sẽ hình thành được một hệ sinh thái nông nghiệp. Mọi thành viên phải quần tụ, để bổ sung sức mạnh, cùng chung tay về nông sản, nông dân Việt.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chỉ khi nào chuyển biến triệt để tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị giá tăng.

Một suy nghĩ nữa cần thay đổi, là khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất. Trong bối cảnh đứt gãy hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao.

Nông dân phải làm chủ được quá trình sản xuất nông nghiệp

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trên toàn quốc thời gian qua rất linh hoạt, tập trung mọi nguồn lực cùng chính quyền các cấp quyết liệt chống dịch COVID-19 và tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, giải quyết an sinh xã hội, ổn định đời sống, an toàn cho nhân dân.

Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hữu Thiết cho biết đại dịch COVID-19 hoành hành từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của đại đa số nông dân.

Ngành nông nghiệp duy trì sản xuất, thích ứng linh hoạt với đại dịch ảnh 3Nông sản được bày bán trong các siêu thị. (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, để thích ứng với tình hình mới, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với ngành nông nghiệp địa phương tìm ra phương pháp tháo gỡ khó khăn. Bên cạnh hoạt động trợ giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, Hội Nông dân các cấp còn tư vấn, mở lớp dạy, hỗ trợ cho bà con vay vốn để chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao tay nghề.

Thời gian qua, hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông-lâm-thủy sản ở Đà Nẵng theo hướng hiện đại được đẩy mạnh, chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản hàng hóa sạch, an toàn, chất lượng theo hướng nông nghiệp đô thị.

Ông Nguyễn Hữu Thiết cho hay với cách làm hay và sáng tạo, nhiều mô hình kinh tế mới đã đem lại hiệu quả đáng mừng, đang được nhân rộng như trồng hoa lan mokara, hoa cây cảnh, chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi gà an toàn sinh học, nuôi cá nước ngọt, sản xuất rau quả hữu cơ.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, tạo động lực để các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phát triển hoàn thiện hơn.

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, đợt dịch vừa qua, chúng ta đã rút ra bài học rất lớn về khai thác thị trường nội địa khi một số mặt hàng nông sản bị ùn ứ do đại dịch COVID-19 gây ra.

Dịch bệnh đã gây ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu, nhưng đây cũng là cơ hội để người nông dân nhận thấy tầm quan trọng của việc liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nhất là khai thác thị trường trong nước.

Theo ông Lương Quốc Đoàn, các cấp Hội cần tích cực đổi mới công tác vận động, tập hợp nông dân; bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao kỹ năng, năng lực kinh doanh nông nghiệp cho nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân hình thành lên các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc thành lập các doanh nghiệp nông nghiệp, từng bước hình thành lên lớp nông dân chuyên nghiệp, chỉ có như vậy, nông dân mới làm chủ được quá trình sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục