Ngành nông nghiệp khu vực Mỹ Latinh thiệt hại nặng do thiên tai

Báo cáo mới công bố của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết thiên tai đã khiến ngành nông nghiệp các nước khu vực Mỹ Latinh và Caribe thiệt hại 22 tỷ USD trong giai đoạn 2005-2015.
Ngành nông nghiệp khu vực Mỹ Latinh thiệt hại nặng do thiên tai ảnh 1(Nguồn: csis.org)

Theo báo cáo mới công bố của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO), thiên tai đã khiến ngành nông nghiệp các nước khu vực Mỹ Latinh và Caribe thiệt hại 22 tỷ USD trong giai đoạn 2005-2015, biến đây trở thành khu vực có nền nông nghiệp chịu tác động tiêu cực của thiên tai nghiêm trọng thứ 3 trên thế giới, sau châu Phi và châu Á.

Dẫn báo cáo, ngày 7/4, phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh cho biết chỉ riêng nạn hạn hán đã gây thiệt hại lên tới 13 tỷ USD cho khu vực này trong 10 năm nói trên.

Trong đó giai đoạn 2010-2015 ghi nhận thiệt hại gia tăng đáng kể so với 5 năm trước đó, với đỉnh điểm là các năm từ 2012 tới 2014, do tác động của hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina.

Xét theo các loài, các cây thuộc họ đậu là những cây chịu nhiều tác hại nhất, như đậu đen, đậu mắt cua hay đậu gà, với tổng thiệt lại hứng chịu lên tới 8 tỷ USD.

Để phòng ngừa những rủi ro mới do thiên tai và giảm nhẹ tác hại hiện tại, Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (Celac) đã soạn thảo Chiến lược Quản lý rủi ro thiên tai trong lĩnh vực nông nghiệp và an toàn lương thực, vừa được công bố ngày 29/3 vừa qua.

Chiến lược này bao trùm giai đoạn 2017-2030, đề ra các biện pháp tích hợp và toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, pháp lý, xã hội, môi trường và công nghệ nhằm tăng cường sức chống chọi của mỗi nước nói chung và mỗi cộng đồng nói riêng, đồng thời cho phép các nước tiếp cận một cách toàn diện các mối đe dọa xuyên biên giới và hợp tác trên những không gian địa lý có cùng các đặc điểm nông nghiệp-môi trường mà họ chia sẻ.

Bốn ưu tiên được đề ra trong chiến lược này là nghiên cứu và hiểu biết về rủi ro thiên tai, củng cố khả năng quản lý rủi ro, đầu tư để nâng cao sức “đề kháng” tự nhiên đối với thảm họa và củng cố tiềm lực để có thể phản ứng hiệu quả hơn trong các nhiệm vụ khôi phục và tái thiết sau thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục