Các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường trung học phổ thông chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải. Điều kiện xét tuyển là thí sinh có ba năm học trung học phổ thông chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Thông tư Quy chế Tuyển sinh chính quy trình độ đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.
Trong các quy định xét tuyển thẳng trình độ đại học, cao đẳng vào các ngành sư phạm các năm trước đây, chỉ học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế mới được ưu tiên xét tuyển thẳng.
Cũng theo dự thảo mới này, người có bằng trung cấp ngành sư phạm loại giỏi trở lên, người có bằng trung cấp ngành sư phạm loại khá có ít nhất hai năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo được tuyển thẳng vào cùng ngành sư phạm trình độ cao đẳng.
[Ngành sư phạm rớt thảm, Bộ Giáo dục và Đào tạo họp khẩn]
Trong năm 2018, các trường sư phạm có thể sử dụng nhiều phương thức để xét tuyển như dựa vào điểm thi trung học phổ thông quốc gia, sử dụng kết quả thi của trường khác, tổ chức thi riêng từng phần cho một số khoa, ngành, hoặc sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải công bố công khai phương thức xét tuyển, thời gian, hồ sơ đăng ký, thủ tục xét tuyển... trên cổng thông tin điện tử của trường mình.
Các trường có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm học, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo kết quả tuyển sinh của năm học trước ngày 31/1 của năm kế tiếp.
Trong nhiều năm gần đây, điểm chuẩn vào các trường sư phạm liên tục giảm. Năm 2017, nhiều trường đại học sư phạm lấy điểm chuẩn chạm "đáy" với 15,5 điểm ba môn, đúng bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Nhiều trường cao đẳng thậm chí chỉ có điểm chuẩn 9 điểm cho ba môn. Điều này đã khiến dư luận không khỏi lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đầu vào ngành sư phạm. Ông thậm chí đặt tham vọng đưa điểm chuẩn sư phạm lên nhóm các trường có điểm chuẩn đầu vào cao nhất trong năm 2018./.