Ngành vận tải biển Indonesia sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2014 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và mức thuế cao.
Theo dự báo của Hiệp hội các Công ty vận tải biển Indonesia (INSA), tăng trưởng của ngành vận tải biển nước này sẽ chậm lại, từ mức 10% năm 2013 xuống khoảng 7% trong năm 2014, trong đó sự gia tăng của đội ngũ tàu vận tải sẽ là yếu tố đóng góp chủ yếu cho mức tăng trưởng 7% này.
Theo thống kê, số lượng tàu vận tải của Indonesia đã tăng từ 11.628 chiếc vào hồi tháng 10/2012 lên 12.774 chiếc vào cuối tháng 10/2013, giúp năng lực vận chuyển hàng hóa trong cùng kỳ tăng từ 16,08 triệu tấn lên 18,20 triệu tấn.
Trong quý 3/2013 vận tải biển của Indonesia sang Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã giảm 25% so với cùng kỳ năm 2012, do thị trường hai đối tác thương mại lớn nhất này bị thu hẹp vì khủng hoảng tài chính và nợ công.
INSA cho biết ngành vận tải biển trong nước của Indonesia đã được cải thiện kể từ năm 2005, khi các quy định mới về vận tải nội địa bắt đầu được thực hiện, theo đó chỉ các tàu mang cờ hiệu Indonesia mới được phép chuyên chở và phân phối hàng hóa trên các vùng biển thuộc Indonesia.
Tuy nhiên, ngành sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu được chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về thuế, bởi các công ty vận tải biển Indonesia hiện đang phải vật lộn để cạnh tranh trên thị trường xuất nhập khẩu với thế yếu hơn so với các đối thủ nước ngoài, do phải chịu thuế giá trị gia tăng 10% cho các dịch vụ bốc xếp.
Chủ tịch INSA Carmelita Hartoto cho hay, chính phủ từ lâu đã hứa sẽ loại bỏ thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ bốc xếp song cho đến nay vẫn chưa thực hiện.
Việc bãi bỏ này hết sức quan trọng vì trên 90% trong tổng số 571 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu của Indonesia, chủ yếu là khoáng sản (bao gồm than và quặng niken), là do các công ty vận tải biển nước ngoài thực hiện, khiến ngành vận tải biển của Indonesia bị mất khoảng 8 tỷ USD thu nhập từ lượng than và niken xuất khẩu nói trên.
Hơn nữa, hầu như không có quốc gia nào trên thế giới áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với các dịch vụ bốc xếp trong vận tải biển.
Theo bà Carmelita Hartoto, Chính phủ Indonesia cũng cần khuyến khích các nhà xuất khẩu trong nước sử dụng phương thức CIF trong vận chuyển hàng hóa để mở rộng thị phần, bởi hiện nay phần lớn các nhà xuất khẩu Indonesia vẫn sử dụng phương thức vận chuyển FOB với rủi ro cao hơn, khiến các khách hàng nước ngoài ưu tiên lựa chọn tàu nước ngoài hơn là các tàu của Indonesia để vận chuyển hàng hóa của họ./.