Ngày 19/7, số ca mắc mới COVID-19 giảm mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh

Số ca mắc được ghi nhận ngày 19/7 là 4.195 ca, đã giảm hơn so với ngày 18/7 (5.926 ca), trong đó Thành phố Hồ Chí Minh giảm hơn 1.500 ca (3.074 ca so với 4.692 ca).
Ngày 19/7, số ca mắc mới COVID-19 giảm mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 1Người dân xịt tay sát khuẩn trước khi vào khu vực mua sắm của 'Phiên chợ lưu động' được tổ chức tại khu phố 3, phường 2, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Y tế chiều 19/7, tính đến 19 giờ ngày 19/7, Việt Nam ghi nhận 2.180 ca mắc COVID-19 mới (từ bệnh nhân 55.846-58.025).

Trong số đó, 19 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 2.161 ca trong nước.

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ghi nhận số ca mắc cao nhất với 1.539 ca, Bình Dương 28 ca, Đồng Nai 80 ca…, trong đó 1.990 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Như vậy, số ca mắc được ghi nhận ngày 19/7 là 4.195 ca, đã giảm hơn so với ngày 18/7 (5.926 ca), trong đó Thành phố Hồ Chí Minh giảm hơn 1.500 ca (3.074 ca so với 4.692 ca).

Đến thời điểm này, Việt Nam có tổng cộng 55.946 ca ghi nhận trong nước và 2.079 ca nhập cảnh.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 52.215 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

[Thêm 80 ca tử vong do COVID-19, riêng Thành phố Hồ Chí Minh 70 ca]

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 54.376 ca, trong đó có 8.273 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 19/7 có 380 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong 10 ngày qua (9-19/7) có 80 ca tử vong đều liên quan đến bệnh nền, phần lớn ở người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Long An, Bắc Ninh, Vĩnh Long và Trà Vinh.

Cả nước đã có 11.047/55.946 ca được điều trị khỏi, số bệnh nhân nặng đang điều trị hồi sức tích cực (ICU) 118 ca và 18 bệnh nhân đang điều trị ECMO.

Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể

Tại cuộc họp Chính phủ đột xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về công tác phòng, chống dịch cấp bách, sáng 19/7 - ngày đầu tiên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lực lượng để phòng, chống dịch, đồng thời phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19.”

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì cùng với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, đánh giá lại toàn bộ thông tin về chủng virus, xác định rõ nguy cơ của chủng này để có đối sách phù hợp với tình hình thực tế; tập trung phân loại các ca F0, trường hợp F1, mức độ nguy cơ nặng và rất nặng để có nguồn lực tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Quốc gia tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, tăng cường năng lực để cùng các lực lượng đánh giá, nhận định tình hình dịch.

Ngày 19/7, số ca mắc mới COVID-19 giảm mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong việc chấp hành các quy định của người dân; kêu gọi người dân hưởng ứng, tham gia và chấp hành với tinh thần “người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch COVID-19.”

“Người dân là trung tâm để chúng ta phục vụ nhưng cũng là chủ thể tham gia chống dịch. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân,” Thủ tướng khẳng định.

Về nguồn nhân lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tỉnh, thành phố có dịch đề xuất cụ thể yêu cầu chi viện; các tỉnh, thành phố đang kiểm soát được dịch báo cáo về số lượng bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có thể tham gia chi viện để có sự điều hành linh hoạt, chính xác.

Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ tập hợp lại để Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia trực tiếp điều hành nguồn nhân lực này trên tinh thần "không để thiếu, không chồng chéo, không lãng phí, đảm bảo theo nhu cầu thực tế."

Cũng trong chiều 19/7, tại cuộc họp với một số bộ, ngành về công tác chuẩn bị triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 969/TTg-KGVX về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, khẳng định mọi giải pháp được triển khai nhằm ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân; đồng thời kêu gọi người dân Việt Nam đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi được dịch bệnh, sớm đưa đất nước quay lại cuộc sống bình thường mới.

Theo Phó Thủ tướng, thứ nhất, phải ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân. Thứ hai phải đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải bởi hệ thống y tế không chỉ chữa cho người mắc COVID-19 mà còn điều trị các bệnh khác cho người dân. Thứ ba, do chưa có đủ vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng nên các lực lượng phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.

Không để thiếu ôxy y tế trong cấp cứu, điều trị

Bộ Y tế vừa có công văn số 5741/BYT-KCB gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các ngành; các bệnh viện trực thuộc trường Đại học về việc củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19.

Tất cả các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện hạng 2 tối thiểu phải có hệ thống ôxy trung tâm, thiết bị và nhân lực để thực hiện được kỹ thuật thở ôxy qua mặt nạ, thở ôxy dòng cao HFNC.

Tại các bệnh viện đa khoa tuyến hạng 1 trở lên, ở khoa Hồi sức tích cực tối thiểu 50 giường và sẵn sàng mở rộng 100 giường, với hệ thống ôxy trung tâm, đào tạo nhân lực có trình độ để thực hiện các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao (thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu...) để tiếp nhận, cấp cứu điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Tại các bệnh viện được phân công phụ trách khu vực cần nhanh chóng thiết lập Trung tâm cấp cứu, để tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực của các bệnh viện, như Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ trước mắt thiết lập khoa Hồi sức tích cực 50 giường, sau đó tăng lên 100 và 200 giường.

Các bệnh viện tuyến trung ương cần củng cố, mở rộng khoa Hồi sức tích cực để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị người bệnh nặng, nguy kịch khi vượt quá năng lực tuyến dưới.

Cùng với đó đào tạo, thiết lập nhiều đội, nhóm có đủ năng lực hồi sức tích cực nâng cao như thở máy xâm nhập, ECMO, lọc máu... để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu hỗ trợ.

Các tỉnh, thành phố rà soát và bảo đảm khả năng cung cấp ôxy y tế, tuyệt đối không để tình trạng thiếu ôxy y tế trong cấp cứu, điều trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục