Ngày càphê Việt Nam: Tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững

Sự kiện "Ngày càphê Việt Nam" có nhiều hoạt động, hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp cho tương lai phát triển bền vững của ngành càphê Việt Nam.
Ngày càphê Việt Nam: Tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững ảnh 1Khách tham quan thưởng thức càphê. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Tối 10/12, tại Quảng trường Lâm Viên Đà Lạt, Lâm Đồng, “Ngày càphê Việt Nam” lần thứ nhất đã chính thức khai mạc.

Khoảng 30 gian hàng của các doanh nghiệp giới thiệu và sử dụng các sản phẩm càphê, ca cao... đến từ các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc và các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị chế biến càphê đã được giới thiệu tại “Không gian càphê."

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng năm 2016, xuất khẩu càphê đạt 1,78 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD.

Đặc biệt, ngoài xuất khẩu càphê nhân theo truyền thống, Việt Nam đã chế biến sản phẩm rang xay, chế biến sâu đạt trên 300 triệu USD. Càphê là một trong mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm thị phần lớn trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhất là các tỉnh Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, cho rằng sự phát triển của ngành càphê đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động tại Tây Nguyên. Lâm Đồng hướng đến mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.

Trong năm 2016, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (sau Brazil) về sản lượng xuất khẩu càphê thô. Khu vực Tây nguyên chiếm 90% sản lượng càphê Việt Nam và Lâm Đồng đứng thứ hai cả nước về diện tích và sản lượng càphê.

Với phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cho hạt càphê," sự kiện "Ngày càphê Việt Nam" có nhiều hoạt động, hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp cho tương lai phát triển bền vững của ngành càphê Việt Nam.

Các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững trong ngành càphê như: Dự án hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực càphê được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Nestlé Việt Nam đồng chủ trì hay các dự án được các doanh nghiệp chủ động triển khai Nescafe Plan được đánh giá cao.

Theo các chuyên gia càphê, mặc dù là quốc gia xuất khẩu càphê lớn thứ hai thế giới nhưng càphê Việt Nam chủ yếu được ưa chuộng do giá thành rẻ, trong khi chất lượng càphê không được đánh giá cao, các nông hộ làm càphê đa phần canh tác và thu hái theo phương pháp truyền thống, không có quy trình chuẩn cũng như áp dụng khoa học-kỹ thuật trong các khâu chăm sóc.

Bên cạnh đó, tình trạng cây càphê già cỗi cũng ảnh hưởng lớn tới năng suất, sản lượng và chất lượng hạt càphê.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương cho các nhà chế biến, hợp tác xã trong cả nước đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển ngành càphê.

Năm 2018, tỉnh Đắk Nông là địa phương tổ chức lễ hội càphê Việt Nam lần thứ hai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục