Ngày hội đua thuyền truyền thống vượt hồ sông Đà

Ngày hội đua thuyền truyền thống vượt sông Đà đã diễn ra ngày 19/2 tại chân cầu Pá Uôn, cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam, tại Sơn La.
Ngày hội đua thuyền truyền thống vượt sông Đà đã diễn ra ngày 19/2 tại chân cầu Pá Uôn, cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam (cao gần 104m, dài 1.200m, bắc qua hồ sông Đà) thuộc xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Cuộc đua do Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Nhai tổ chức với ý nghĩa mừng Đảng, mừng Xuân, ra quân phát triển, khai thác tiềm năng kinh tế vùng hồ thủy điện Sơn La.

Tham gia đua thuyền có 11 đội, gồm 650 vận động viên nam, nữ dân tộc thuộc các xã ven hồ thủy điện Sơn La của huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).

Hàng ngàn cổ động viên đồng bào các dân tộc đến từ 10 huyện, thành phố trong tỉnh Sơn La và các huyện lân cận như Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Lay (tỉnh Điện Biên), Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên (tỉnh Lai Châu), Sa Pa (tỉnh Lao Cai), du khách Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền xuôi đã đến xem, cổ vũ cho cuộc đua thuyền trên hồ thủy điện Sơn La.

Hồ này mới hình thành kể từ khi tích nước hồ vào tháng 12/2010 đến nay, phục vụ phát điện cho 6 tổ máy của Nhà máy thủy điện Sơn La.

Các vận động viên là những nông dân sinh hoạt ven hồ được tuyển chọn tham dự với hai nội dung đua chính là đua thuyền nam, đua thuyền nữ với cự ly 1.400m và đua nam cự ly 1.600m vượt hồ sông Đà (còn gọi là hồ thủy điện Sơn La).

Ông Lừ Chiến (68 tuổi) ở bản Nghe Toỏng, thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai cho biết đua thuyền ở Quỳnh Nhai có truyền thống từ lâu đời của cư dân sông nước trên thượng nguồn sông Đà. Đua thuyền gắn với truyền thuyết Nàng Han (nữ tướng) có công dẹp giặc ngoại xâm phương Bắc.

Truyền thuyết kể rằng khi đuổi được giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi cũng là lúc chiều 30 Tết âm lịch. Nữ tướng Nàng Han lệnh cho quân sỹ xuống sông tắm rửa và tổ chức đua thuyền ăn mừng chiến thắng.

Kể từ đó, cứ đến dịp Tết âm lịch, người dân vùng thượng nguồn sông Đà như Quỳnh Nhai, Mường Lay, Mường So, Phù Yên lại tổ chức đua thuyền truyền thống để động viên nhau trong lao động và sinh hoạt văn hóa tinh thần, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào vùng sông nước miền Tây Bắc Tổ quốc.

Còn bà Lò Thị Tanh ở bản Chẩu Quân chia sẻ trước đây bà con người Thái, người Khơ Mú, La Ha, Dao, Sinh Mun sống ven thượng nguồn sông Đà có tập quán hàng ngày phải dùng thuyền làm phương tiện đi làm nương, đi lấy cột nhà, lấy củi, chở lúa, ngô, đánh bắt cá. Mỗi lần như vậy phải lên thác xuống gềnh. Từ cuộc sống lao động mà nảy sinh ra đua thuyền vượt thác, rồi đua thuyền xuôi về bến sông.

Trước đây bà con có nhiều thuyền đuôi én, thuyền độc mộc. Nhưng kể từ khi huyện Quỳnh Nhai phải nhường quê hương để làm hồ chứa nước cho Nhà máy thủy điện Sơn La, bà con về nơi ở mới không còn thấy sông nữa, phương tiện trên hồ bây giờ đa phần là thuyền có gắn máy vì hồ có sóng to, sâu cả trăm thước. Bà con về nơi quê mới nhớ về con sông Đà xưa, nên tổ chức đua thuyền để giữ gìn nghề đua thuyền trên sông nước, động viên nhau xây dựng nông thôn mới.

Trước khi vào hội, bà con còn tổ chức lễ cúng thần sông, thần núi, cúng Nàng Han tại khu miếu thờ Nàng Han cạnh bến Pá Uôn, tổ chức các trò chơi, thi đấu môn thể thao dân gian như bắn nỏ, ném còn, kéo co và biểu diễn văn nghệ.

Cuộc đua thuyền lướt sóng trên hồ thủy điện Sơn La có kết quả giải đồng đội, giải nhất nhì đua thuyền nam, nữ thuộc về các đội Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Sại./.

Điêu Chính Tới (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục