Tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa các quan điểm cơ bản Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; triển khai thực hiện đúng tiến độ Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là chủ đề Đại hội Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Thái Văn Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng, đã trao đổi phóng viên TTXVN về những nhiệm vụ và giải pháp đột phá, nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
- Đồng chí có thể cho biết kết quả nổi bật trong quá trình đổi mới giáo dục của tỉnh nhiệm kỳ qua?
Ông Thái Văn Thành: Với chức năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn, Đảng bộ đã lãnh đạo việc tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phục vụ công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với 7 nghị quyết, 2 đề án, 12 kế hoạch, 23 quyết định và 6 chỉ thị.
Trong đó, đặc biệt là các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai Chương trình hành động 33-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trên lĩnh vực chuyên môn, ngành đã triển khai thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo. Đây cũng là nhiệm kỳ mà toàn ngành đã tập trung để thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Để làm tốt điều này, ngành chú trọng xây dựng các mô hình thực hiện đổi mới, tham mưu xây dựng và triển khai thí điểm mô hình trường trung học trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2023, tại 14 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông; triển khai nghiêm túc, khoa học và đạt hiệu quả các mô hình giáo dục trường học mới ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, các chương trình, dự án SEQAP, VVOB; đồng thời đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá ở giáo dục phổ thông, trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm và xem đây là là tiền đề để đúc rút kinh nghiệm trong việc triển khai và bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021.
[Đổi mới sáng tạo là thời cơ cho giáo dục Việt Nam 'cất cánh']
Để tạo nền tảng vững chắc cho quá trình đổi mới giáo dục, ngành đã tập trung lãnh đạo thực hiện xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và tập trung thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế.
Hiện ngành giáo dục là một trong những ngành đi đầu trong việc tinh giản biên chế với việc đã giảm gần 2.000 chỉ tiêu số người làm việc; tính riêng các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và đào tạo đã tinh giảm 174 tổ trưởng và 73 tổ phó chuyên môn, giảm 71 tổ trưởng và 54 tổ phó tổ văn phòng; giảm 47 cấp trưởng và giảm 13 cấp phó.
Kết thúc nhiệm kỳ qua, nhiều chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã về đích và vượt mục tiêu đề ra.
Về cơ sở vật chất, nhờ tích cực huy động mọi nguồn lực từ năm 2015-2020, toàn ngành đã đầu tư xây mới 557 phòng học, xóa phòng học tranh tre, tạm mượn cho 115 trường mầm non, tiểu học ở các xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, ngành đã chỉ đạo việc tham mưu tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị dạy học, trang bị cho các nhà trường với 437 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ cho các trường phổ thông, bổ sung gần 4.000 máy tính hỗ trợ các cơ sở giáo dục; mua sắm bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho các trường mầm non.
Điều đáng mừng nhất là từ năm 2015- 2019, tỉnh đã công nhận mới 157 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 1.104 trường, đạt tỉ lệ 72,68% (vượt 2,68% so với chỉ tiêu Đại hội đề ra).
Chất lượng giáo dục bậc phổ thông tiếp tục được khẳng định vững chắc, kết quả học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế tiếp tục duy trì vị trí tốp dẫn đầu của cả nước về chất lượng giáo dục.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và viết sáng kiến kinh nghiệm được tiếp tục quan tâm. Chất lượng các sáng kiến, kinh nghiệm cũng được đánh giá cao nhờ việc đổi mới trong quy trình đăng ký xét đề tài và khuyến khích đổi mới trong việc triển khai thực hiện.
- Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh có những giải pháp như thế nào để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI?
Ông Thái Văn Thành: Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng-năm đầu tiên đưa Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục còn tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường nên cũng phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh.
Tuy nhiên, với nền tảng đã tạo dựng được trong nhiệm kỳ qua, biến những khó khăn, thách thức thành thuận lợi, thành nguồn lực sáng tạo, tạo ra nhiều giá trị mới sẽ tạo đà cho ngành giáo dục và đào tạo tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An là phấn đấu đến năm 2025 có trên 75-78% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 35% trường đạt chuẩn mức độ 2; rà soát, sáp nhập các cơ sở giáo dục cùng cấp phù hợp, sau sáp nhập địa bàn hành chính cấp xã, phấn đấu giảm 10% đầu mối theo quy định; tham mưu phê duyệt tỷ lệ học sinh trên lớp của từng cấp học phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới của từng cơ sở giáo dục.
Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi từ 3 tháng đến dưới 36 tháng, năm 2025 đạt 30%; trẻ em trong độ tuổi từ 36 tháng đến dưới 72 tháng, năm 2025 đạt 95%.
Tỉnh xây dựng mô hình cơ sở giáo dục công lập thuộc thị trấn, thành phố, thị xã đảm bảo tự chủ chi thường xuyên đến năm 2025 có 25%; có 100% trường tiểu học tổ chức chương trình dạy học 2 buổi/ngày, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục trung học các huyện miền núi và chất lượng dạy học ngoại ngữ của tỉnh trên mặt bằng chung cả nước; xây dựng bổ sung 4.813 phòng học ở cả ba cấp học; phấn đấu đến năm 2025 có 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề; 50% trường trung học phổ thông có liên kết đào tạo nghề cho học sinh có nhu cầu...
Để thực hiện mục tiêu trên, ngành tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hướng đến tự chủ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, thực hiện các dịch vụ giáo dục theo Luật Giáo dục 2019; phối hợp với các huyện, thị rà soát, sắp xếp các điểm trường, xây dựng các trường tiểu học bán trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh miền núi.
Đây cũng là cơ sở để tăng cường, đẩy mạnh chất lượng giáo dục miền núi nhằm xích lại khoảng cách giữa giáo dục miền núi và miền xuôi, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh, góp phần tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện mô hình 14 trường trọng tâm chất lượng cao để làm đầu tàu lan tỏa cho các vùng miền, từng bước xây dựng các trường phổ thông tiên tiến theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế; tập trung chỉ đạo có hiệu quả mô hình “phòng giúp phòng,” “trường giúp trường” và phong trào xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn thân thiện.
- Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2 và lớp 6 từ năm học tới, theo đồng chí yếu tố nào là then chốt để ngành tập trung thực hiện?
Ông Thái Văn Thành: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là với lớp 2 và lớp 6 từ năm học tới, ngành xác định đội ngũ giáo viên vẫn là yếu tố quyết định thành công của quá trình đổi mới, họ đã và đang không ngừng học tập, nâng cao trình độ.
Ngành đã bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn cho gần 2.400 giáo viên và họ có điều kiện 1 năm để nghiên cứu, sinh hoạt tổ chuyên môn, dạy mẫu để chia sẻ kinh nghiệm dạy học. Cùng với đó, ngành đã xây dựng giải pháp “trường giúp trường," "phòng giúp phòng” và năm học này đã triển khai thêm nội dung “bộ môn giúp bộ môn” để hỗ trợ các Phòng Giáo dục ở vùng miền núi về chiến lược phát triển, kế hoạch giáo dục của từng cấp học, từng nhà trường và kế hoạch môn học, hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ; đặc biệt là tăng cường sinh hoạt chuyên môn, đưa những giáo viên cốt cán của miền xuôi lên miền núi để dạy mẫu, cùng tham gia về chuyên môn và bồi dưỡng học sinh, giáo viên giỏi.
Ngoài ra, nếu có điều kiện có thể hỗ trợ về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và hỗ trợ những giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, qua đó giúp thầy và trò miền núi có những điều kiện cơ bản để được đến trường và có những điều kiện bình đẳng như miền xuôi.
Sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng cơ chế riêng, có cam kết, đưa vào đánh giá hằng năm và xem đây là trách nhiệm với ngành. Sở cũng sẽ điều động giáo viên theo hướng cử đi công tác trong thời gian ngắn để hỗ trợ và triển khai dạy mẫu chương trình mới.
Những giải pháp trên sẽ giúp đội ngũ giáo viên tháo gỡ được những vướng mắc về kỹ thuật trong triển khai chương trình sách giáo khoa mới đối với bậc học lớp 1 và chủ động, tự tin triển khai chương trình lớp 2, lớp 6 cho năm học tới.
Tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An sẽ hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!