Đến trưa 31/10, lượng mưa tại Nghệ An đang giảm dần, nhiều tuyến đường và khu dân cư, nước rút dần, tỉnh Nghệ An đang huy động các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương tập trung các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trọng tâm trước mắt vẫn là đảm bảo an toàn cho các hộ dân, di dời các hộ dân ở các vùng nguy hiểm, vùng còn ngập lụt đến nơi an toàn, cung cấp thực phẩm, nước uống cho các hộ dân.
Tại các tuyến đường còn ngập sâu, bị sạt lở hư hỏng không đi lại được, ngành giao thông đang cử lực lượng trực gác, phân luồng giao thông và đóng các biển báo, cảnh báo người đi đường.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các địa phương trong tỉnh đang tổ chức kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ và đã có những việc làm kịp thời, hiệu quả hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tiền mặt cứu trợ người dân các địa phương vùng lũ trong tỉnh.
[Mưa lũ còn phức tạp, Nghệ An và Hà Tĩnh cần chủ động đối phó]
Trong 3 ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 đã gây mưa to trên diện rộng, ngập lụt tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An. Thống kê bước đầu của các địa phương trong tỉnh đã có 5 người chết và mất tích. Cụ thể, tại huyện Thanh Chương có 3 người mất tích, huyện Anh Sơn có 2 người bị đuối nước tử vong.
Đến trưa 31/10 toàn tỉnh cũng có 12.600 ngôi nhà bị ngập, 29 xóm bị cô lập hoàn toàn, 22 xóm bị chia cắt, trên 3.000 hộ dân phải di dời do ngập lụt và sạt lở đất ảnh hưởng đến an toàn.
Cùng với thiệt hại về nhà ngập, hư hỏng, gia súc, gia cầm và sản xuất nông nghiệp, thủy sản của người dân thì tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều tuyến đường giao thông, hệ thống cầu cống cũng bị sạt lở, hư hỏng hoặc bị đất đá bồi lấp, việc khắc phục sẽ còn lâu dài và tốn kém.
Quốc lộ 7 và quốc lộ 48 (nối từ quốc lộ 1A lên các huyện miền Tây Nghệ An) đang có nhiều vị trí bị sạt lở, hư hỏng hoặc có nguy cơ bị đất đá từ trên núi đổ xuống./.