Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ chính thức trở thành di sản thế giới

Tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ chính thức trở thành di sản thế giới ảnh 1Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: TTXVN)

Theo thông tin từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quyết định này được đưa ra vào hồi 17 giờ 10 phút (giờ địa phương), tức 15 giờ 10 phút (giờ Việt Nam) ngày 7/12 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Hàn Quốc.

Bài chòi là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của vùng đất Trung Bộ; được hình thành qua quá trình lao động, giao lưu văn hóa của người Việt khi vào định cư, khai phá vùng đất Đàng Trong.

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ chính thức trở thành di sản thế giới ảnh 2Kỳ họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO nhất trí ghi danh hồ sơ 'Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam' là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: Vũ Toàn/TTXVN)

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam phổ biến ở các tỉnh/thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng).

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, Bài chòi là loại hình nghệ thuật vừa mang tính trình diễn vừa mang tính thực hành xã hội; có sự kết hợp khéo léo của thơ, nhạc, hát, diễn xuất. Đặc biệt, khả năng trình diễn tự nhiên, dí dỏm và khả năng ứng tác tại chỗ của anh Hiệu (người chủ trì trong hội chơi bài chòi) góp phần quan trọng tạo nên sự khác biệt của Bài chòi so với các loại hình hình nghệ thuật dân gian khác.

[Trình UNESCO xem xét nghệ thuật bài chòi là Di sản văn hóa thế giới]

Bên cạnh những giá trị về văn hóa-nghệ thuật, hát bài chòi còn mang đậm tính nhân văn. Những câu hô hát (hay còn gọi là câu Thai) của loại hình nghệ thuật này thường chứa đựng nội dung giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, con người...

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ chính thức trở thành di sản thế giới ảnh 3Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ là một loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. (Ảnh: TTXVN)

Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 12 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ, Ca trù, Hội Gióng (2010), Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca tài tử, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Nghi lễ và trò chơi kéo co, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Hát Xoan và Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ.

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ chính thức trở thành di sản thế giới ảnh 4Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO. (Ảnh: Vũ Toàn/Vietnam+)

Sáng 8/12, Ủy ban trên sẽ xem xét việc đưa hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ" của Việt Nam ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và chuyển sang danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục