Nghi can đánh bom trụ sở FED có visa sinh viên

Nghi can người Bangladesh bị cáo buộc âm mưu cho nổ tòa nhà FED từng được cấp thị thực sinh viên học ở Mỹ vào tháng 12 năm ngoái.

Các quan chức Mỹ ngày 18/10 xác nhận một người Bangladesh bị cáo buộc âm mưu cho nổ tung tòa nhà Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ở New York đã vào Mỹ với thị thực sinh viên được cấp vào tháng 12.

Nhà chức trách New York cáo buộc Quazi Mohammad Rezwanul Ahsan Nafis đã vào nước này với “mục đích tiến hành tấn công khủng bố” và tìm cách liên hệ với Al Qaeda sau khi vào Mỹ. Nhưng Bộ ngoại giao Mỹ xác nhận Nafis, 21 tuổi, có thị thực F, “thị thực dùng cho sinh viên hợp pháp cho các chương trình học thuật ở Mỹ mà anh ta đã được nhận,” người phát ngôn Victoria Nuland nói. Bà Nuland nhấn mạnh mỗi đơn xin thị thực vào Mỹ “được xem xét trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, có cân nhắc các thông tin trong bộ cơ sở dữ liệu của chính phủ Mỹ.” Nafis bị bắt giữ ở Manhattan hôm thứ Tư sau khi tìm cách cho phát nổ một thiết bị mà anh ta tưởng là một quả bom, nhưng thực ra chỉ là bom giả do các mật vụ Mỹ cung cấp, các công tố viên liên bang tại Brooklyn cho biết. Họ cũng nói Nafis vào Mỹ tháng 1/2012. “Nafis, có thể có các liên hệ ở hải ngoại với Al Qaeda, tìm cách tuyển mộ các cá nhân để hình thành một mạng lưới khủng bố bên trong nước Mỹ”, văn phòng công tố cho biết. “Nafis cũng tích cực tìm kiếm các liên hệ của Al Qaeda ở Mỹ để hỗ trợ anh ta tiến hành vụ tấn công. Nhưng Nafis không ngờ rằng một trong những người anh ta tìm cách tuyển mộ thực ra là nguồn tin của FBI.” Nhưng gia đình Nafis tại Dhaka, Bangladesh rất bức xúc về vụ bắt giữ anh, nói Nafis chưa bao giờ cho thấy khuynh hướng là một người Hồi giáo cực đoan. Anh sang Mỹ để theo học ở Đại học Missouri Southern, nhưng cha anh, Quazi Mohammad Ahsanullah, nói với AFP rằng Nafis mới hoàn tất một học kỳ.
Nghi can đánh bom trụ sở FED có visa sinh viên ảnh 1
Quazi Mohammad Ahsanullah, cha của nghi phạm cầm tấm ảnh con trai (Nguồn: AFP)
“Quá đắt đỏ. Nó tới New York để xin việc ở một khách sạn,” cha anh nói. Nafis đã làm việc 10 tiếng mỗi ngày để dành dụm tiền cho một khóa học tin học, thì anh rơi vào bẫy của FBI. Năm 2011, Mỹ đã cấp khoảng 476.000 thị thực sinh viên trên toàn thế giới, và chỉ có 1.136 thị thực sinh viên ở Bangladesh. Những người có thị thực sinh viên được theo dõi và giám sát bởi một hệ thống internet do Bộ an ninh nội địa quản lý, Hệ thống thông tin sinh viên và du khách trao đổi (SEVIS). Bộ ngoại giao cũng xác nhận chính quyền Bangladesh cho tới giờ chưa nhờ hỗ trợ từ Washington cho vụ Nafis./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục