Nghị định 32/CP: Tạo xung lực mới, thúc đẩy phát triển các cụm công nghiệp

Nghị định 32/CP giao UBND cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quyết định việc điều chỉnh nội dung hoặc bãi bỏ Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp; đảm bảo quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp bền vững, trật tự, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và kịp thời tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP.

Theo Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương), Nghị định số 32/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2024, có một số điểm mới nổi bật và một số thay đổi đáng chú ý so với các Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp trước đây.

Cụ thể, để phù hợp với quy định của Luật Đất đai hiện hành (khoản 2 Điều 149) về cơ chế cho thuê đất đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và phát huy hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng thời gian qua, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định mô hình chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.

Đối với các đơn vị đã được giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP tiếp tục hoạt động đến khi có quyết định sắp xếp, xử lý của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp quy định tại Nghị định số 32/2024/NĐ-CP và pháp luật liên quan.

Ngoài ra, để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư… Nghị định số 32/2024/NĐ-CP tiếp tục quy định thủ tục thành lập, mở rộng cụm công nghiệp (trong đó có lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp), đồng thời giao trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư.

Tại Nghị định này quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (tại Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp) việc điều chỉnh về tên gọi, vị trí thay đổi trong địa giới hành chính cấp huyện, diện tích tăng không quá 05 ha so với quy hoạch được phê duyệt, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch khác trên địa bàn, đồng thời cập nhật nội dung thay đổi để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại kỳ lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh tiếp theo.

“Giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật quyết định việc điều chỉnh nội dung hoặc bãi bỏ Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương,” Nghị định nêu rõ.

Đối với điều chỉnh chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, nếu cụm công nghiệp có công trình hạ tầng kỹ thuật hình thành từ ngân sách Nhà nước thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật được lựa chọn để quản lý, sửa chữa và vận hành phục vụ hoạt động chung của cụm công nghiệp.

Kinh phí xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp từ ngân sách Nhà nước không được tính vào giá cho thuê đất, giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp; chi phí quản lý, sửa chữa, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật được tính vào giá sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung của cụm công nghiệp. Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định nội dung này thì thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

167A6512.JPG
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Về ưu đãi đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp: Nghị định số 32/2024/NĐ-CP quy định cụm công nghiệp là địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Việc áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan) để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Nghị định số 32/2024/NĐ-CP tiếp tục quy định chuyển tiếp về xử lý thành lập cụm công nghiệp hình thành trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp theo hướng đơn giản, linh hoạt xử lý cho địa phương nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc chung trong quản lý cụm công nghiệp.

Theo đó, Nghị định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của cụm công nghiệp, tổ chức rà soát lại hiện trạng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hồ sơ pháp lý liên quan của cụm công nghiệp để làm rõ sự cần thiết, phù hợp quy định pháp luật, tính khả thi và quyết định việc thành lập cụm công nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục