Nghị định hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTTP

Nghị định này quy định việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, cung cấp hàng hóa nêu tại các phụ lục kèm theo Nghị định...
Nghị định hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTTP ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Nghị định này quy định việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, cung cấp hàng hóa nêu tại các phụ lục kèm theo Nghị định, thuộc dự án, dự toán mua sắm của cơ quan mua sắm khi có giá gói thầu từ ngưỡng giá nêu tại Phụ lục I trở lên.

Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án, gói thầu.

[Đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ôtô qua sử dụng theo CPTPP]

Trường hợp đấu thầu nội khối với gói thầu mua sắm hàng hóa, chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các nước thành viên tham dự thầu.

Về nguyên tắc chung, cơ quan mua sắm có nghĩa vụ đối xử bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu của các nước thành viên với hàng hóa, dịch vụ và nhà thầu trong nước; giữa các nhà thầu trong nước với nhau, không phụ thuộc vào việc nhà thầu có cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài hoặc phụ thuộc về mặt tổ chức với nước ngoài...

Xuất xứ của hàng hóa trong gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này được xác định theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu

Nhà thầu nộp hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên: Cơ quan mua sắm; nhà thầu tư vấn lập hồ sơ quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả sơ tuyển.

Nhà thầu tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau: Cơ quan mua sắm; nhà thầu tư vấn lập, thẩm tra, thẩm định hồ sơ thiết kế, dự toán, lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu đó.

Nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện hợp đồng phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu thực hiện hợp đồng, nhà thầu tư vấn kiểm định gói thầu đó.

Nhà thầu tham dự gói thầu hỗn hợp phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế gói thầu đó, trừ trường hợp các nội dung công việc này là một phần của gói thầu hỗn hợp.

Nhà thầu tư vấn có thể tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, tư vấn giám sát.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục