"Nghị quyết 24 là động lực để Vùng Đông Nam Bộ cất cánh"

Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị nêu rõ Vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
"Nghị quyết 24 là động lực để Vùng Đông Nam Bộ cất cánh" ảnh 1Lãnh đạo các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ, các chuyên gia, nhà khoa học dự Hội thảo. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Phát biểu tại “Hội thảo khoa học Các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ với việc triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức ngày 18/10, tại thành phố Đồng Xoài, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định Nghị quyết số 24 thực sự là chìa khóa, động lực mới để Vùng Đông Nam Bộ có thể cất cánh trong thời gian tới.

Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị nêu rõ Vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Gỡ “điểm nghẽn” giao thông kết nối

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh sáu kết nối trọng tâm trong hợp tác phát triển Vùng Đông Nam Bộ.

Trong đó, phát triển hệ thống hạ tầng kết nối là điểm nhấn lớn và quan trọng cần phải được khơi thông đầu tiên để tạo đột phá phát triển Vùng Đông Nam Bộ.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Nghị quyết số 24 chỉ ra việc cần ưu tiên hàng đầu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối gồm các tuyến đường bộ cao tốc, các hành lang kinh tế, khai thông các cửa ngõ ra bên ngoài, từ khu vực ra biên giới như cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, cảng hàng không quốc tế Long Thành đến các cảng biển trung chuyển như cảng Cần Giờ…

Trên cơ sở các tuyến giao thông quan trọng, các địa phương trong Vùng cần sớm tổ chức lại và hiện thực hóa các hành lang vành đai kinh tế; tích hợp các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy đến các cảng để liên kết các tỉnh, thành phố vùng biên, các trung tâm sản xuất như các khu công nghiệp, khu kinh tế; bảo đảm sự kết nối mạng lưới đô thị ở nhiều tầng nấc khác nhau, đi cùng với phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở theo hướng xanh, hiện đại, thông minh.

[Đông Nam Bộ phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa]

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho rằng cần tăng cường đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đây là những thách thức rất lớn đối với nỗ lực phát triển bền vững của Vùng, đòi hỏi các địa phương phải phối hợp chia sẻ nguồn lực và có sự hỗ trợ của Trung ương trong xây dựng chính sách đồng bộ, có tính hệ thống đối với các dự án hạ tầng, đặc biệt là các dự án liên quan đến nhiều địa phương trong Vùng.

Tại Hội thảo, đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, khi Vùng phát triển thì Thành phố Hồ Chí Minh cũng phát triển và ngược lại.

Đơn cử, mặc dù tỉnh Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng cách 125km, nhưng thời gian di chuyển chiếm từ 4 đến 5 giờ đồng hồ. Nếu nâng cấp giao thông liên tỉnh tốt hơn, thông thoáng hơn sẽ giảm còn từ 1-2 giờ, điều này thuận lợi hơn cho sự phát triển chung của toàn Vùng và riêng hai địa phương.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng để thực hiện chủ trương “phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn, xã hội” của Vùng như Nghị quyết 24 đã đề ra, bên cạnh việc phát huy tối đa nguồn nội lực, cần kết hợp hài hòa với ngoại lực để phát triển nhanh bền vững.

Tạo động lực mới để Vùng Đông Nam Bộ cất cánh

Tiến sỹ Võ Hữu Phước - Học viện Chính trị khu vực II cho rằng liên kết vùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc liên kết ở Vùng Đông Nam Bộ còn hình thức, thiếu sự liên kết giữa các địa phương.

Việc thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ góp phần khai thông các điểm nghẽn, tạo đột phá để Vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, khẳng định vị trí đầu tàu của cả nước.

"Nghị quyết 24 là động lực để Vùng Đông Nam Bộ cất cánh" ảnh 2Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định Nghị quyết số 24 xác định Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo của Vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Thành phố cần phải chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt, đầu tàu trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực, không gian phát triển mới cho Vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long và các khu vực, địa phương trong cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận thức rất rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và có trách nhiệm trong việc liên kết vùng, nhất quán quan điểm mở rộng liên kết vùng để phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, phục vụ sự phát triển chung của đất nước; đồng thời mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, thể hiện vai trò, trách nhiệm thực hiện phương châm “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng định hướng đến cuối giai đoạn (năm 2030) tỉnh phải cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng, trở thành đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới; đổi mới căn bản mô hình tăng trưởng, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nhất là phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao theo hướng trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm giáo dục, trung tâm chăm sóc sức khỏe tầm cỡ khu vực và thế giới, các dịch vụ khác.

Theo Tiến sỹ Võ Hữu Phước, các cơ quan trung ương, bên cạnh việc nâng cao vai trò trong thúc đẩy liên kết vùng, cần có sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn nữa trong việc xây dựng và giám sát việc thực hiện định hướng, chính sách, biện pháp, tạo dựng sự đồng bộ, hợp lý về phân bổ không gian, tổ chức mạng lưới cơ sở hạ tầng Vùng.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và sự đồng thuận liên kết trong việc tạo dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng chung của Vùng; trong hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách phân bổ nguồn lực, cần được thực hiện từ Trung ương tới địa phương theo hướng lấy lợi ích tổng thể quốc gia làm ưu tiên cao nhất, đồng thời, cần chấp nhận sự chênh lệch nhất định trong phát triển giữa các vùng, các địa phương.

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng lưu ý các địa phương trong Vùng cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc nhận diện, đánh giá, xử lý các “điểm nghẽn” trong hệ thống thể chế, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, hệ thống hạ tầng trong việc xây dựng, nhất là xây dựng các dự án lớn; phát huy tính chủ động của các địa phương trong việc huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, chú trọng sự phối hợp với các chính quyền địa phương.

“Nghị quyết 24 một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán, muốn liên kết vùng thành công phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương; quán triệt sâu sắc nguyên tắc cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cả nước vì Vùng, Vùng vì cả nước; giúp các địa phương trong Vùng tận dụng tốt vị trí kết nối, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển,” Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục