Nghị quyết “tam nông” tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại

Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nghị quyết “tam nông” tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại ảnh 1Chăm sóc cây dưa lê Hàn Quốc tại Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Quang Minh, thôn Hương Thịnh, xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Nghị quyết số 26 NQ/TW ngày 5/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển toàn diện, nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Từ đó, nền nông nghiệp đã có nhiều tiến bộ cả về quy mô, trình độ sản xuất; tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, nâng cao đời sống, thu nhập cho nông dân.

Chuyển đổi theo hướng gắn với nhu cầu

Với việc thực hiện những chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế. Cơ cấu sản xuất từng ngành được điều chỉnh, chuyển đổi theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương nói riêng và cả nước nói chung, gắn với nhu cầu thị trường.

Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nhiều loại nông sản được nâng cao. Một số nông sản đã khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2017 của Việt Nam đạt 36,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008.

Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 2,66%/năm, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%/năm. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh hơn, năm 2017 đạt 6,48%/ năm. Độ che phủ rừng tăng mạnh, đạt 41,45%.

[Khai mạc Hội nghị 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X]

Bên cạnh đó, công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn đã chuyển đổi tích cực. Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng, từ đó kết cấu hạ tầng nông thôn được nâng cấp; điều kiện sinh sống của người dân được cải thiện. Sau 7 năm thực hiện, tới 30/6/2018 cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 43 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ những chuyển biến tích cực trong sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh.

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 3,49 lần, từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu đồng năm 2017. Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần năm 2008 còn 1,8 lần năm 2017. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,5%/năm, riêng ở các huyện nghèo giảm tới 4%/năm.

Vai trò chủ thể của nông dân được phát huy, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn hơn, đạt hiệu quả tích cực.

Từ năm 2010-2017, đã có 7,2 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó có 3,98 triệu lao động được đào tạo theo Đề án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Song song với việc quan tâm tới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trình độ khoa học công nghệ của nền nông nghiệp cũng được nâng cao.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ được thúc đẩy, đạt hiệu quả hơn. Liên tục có nhiều tiến bộ kỹ thuật được đưa vào sản xuất, ngày càng nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất các loại nông lâm thủy sản.

Các cơ chế, chính sách được đổi mới mạnh mẽ đã góp phần huy động nhiều nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong 10 năm qua, hàng loạt chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được sửa đổi theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và ưu đãi hơn cho nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, chính sách về đất đai mới đã khuyến khích nông dân yên tâm hơn đầu tư cho sản xuất. Vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước được nâng cao, phát huy sự tham gia của các đoàn thể chính trị-xã hội ở nông thôn.

Nghị quyết “tam nông” tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại ảnh 2Nông dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp xuống giống Đài Thơm 8 trong vụ lúa Đông Xuân 2018-2019. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Cần giải pháp chiến lược, phát huy lợi thế nông nghiệp

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhận định, Nghị quyết 26 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) là một Nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn với các quan điểm, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, đạt nhiều kết quả to lớn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân, đóng góp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng cao.

[Nền nông nghiệp vững mạnh - yếu tố đảm bảo phát triển bền vững]

Tuy nhiên, ông Cao Đức Phát cũng chỉ rõ, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt. Nhiều tồn tại, yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về tổ chức sản xuất, chất lượng, hiệu quả, tính bền vững của sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Theo chuyên gia chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Kim Sơn, kinh nghiệm của các quốc gia thành công cho thấy ba giải pháp để nông dân giàu, nâng mức thu nhập nông thôn lên bằng mức thành phố, đó là: Tạo điều kiện quy mô sản xuất, phát triển trang trại; tạo cơ hội chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp; phát triển doanh nghiệp đồng thời, để gắn kết nông nghiệp-công nghiệp, đô thị-nông thôn, cần phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho lao động ở ngay nông thôn để lao động nông nghiệp "ly nông bất ly hương," không di cư ra đô thị; tiến tới mức cao hơn là chính thức hóa đội ngũ lao động phi chính thức bằng các tổ chức nghiệp đoàn, đăng ký lao động, trợ cấp hỗ trợ bảo hiểm.

Cách tốt nhất là tạo ra một mô hình kinh tế liên kết, trong đó các ngành công nghiệp, dịch vụ gắn bó mật thiết với sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng mới, tăng năng suất, khả năng cạnh tranh của nông sản. Bên cạnh đó, cần có chính sách, giải pháp phù hợp với đặc thù vùng miền nhằm thu hút đầu tư về nông thôn, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông thuận tiện.

Ông Đặng Kim Sơn cho rằng đây cũng là giải pháp quan trọng để hình thành sức cạnh tranh cho nông nghiệp. Ngoài ra, dịch vụ hỗ trợ và công nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản cũng cần được quan tâm đầu tư đúng mức.

Thực tế phát triển kinh tế của các quốc gia thành công trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, trong điều kiện hiện nay cần các giải pháp chiến lược và mô hình phát triển để một nước nông nghiệp tiến hành công nghiệp hóa thành công.

Với những quốc gia có lợi thế nông nghiệp như Việt Nam, nếu có quyết tâm chính trị, định hướng đường lối đúng quy luật, có thể tạo ra bước đột phá về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, làm nền tảng tích lũy công nghiệp hóa.

Nông nghiệp công nghệ cao - chìa khóa của phát triển

Bàn về xu hướng phát triển khoa học công nghệ trên thế giới trong phục vụ phát triển nông nghiệp, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền Nông nghiệp khẳng định, các thành tựu của khoa học công nghệ sẽ định hình tương lai của kinh tế toàn cầu, không chỉ riêng trong ngành nông nghiệp.

An ninh và an toàn thực phẩm là vấn đề toàn cầu trong 50 năm tới. Tuy nhiên, môi trường toàn cầu và môi trường canh tác nông nghiệp đang bị thu hẹp, hủy hoại nghiêm trọng. Thực tế tại Việt Nam, diện tích đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp do xây dựng đô thị, phát triển công nghiệp và nước biển dâng. Việc cập nhật ứng dụng của khoa học công nghệ vào sản xuất do đó càng trở nên cần thiết, bên cạnh xu hướng sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối thị trường toàn cầu.

Mang tiếng nói từ cơ sở, tiến sỹ Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng khẳng định, tỉnh luôn xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế- xã hội.

Việc thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã góp phần đột phá phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Năm 2018, kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển: GRDP tăng 8,59%; GRDP bình quân đầu người đạt 59,74 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước dạt 7.110 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 661 triệu USD...

Hiện, toàn tỉnh có 89 xã nông thôn mới (76,2%) và hai huyện nông thôn mới, đây là cơ sở quan trọng để Lâm Đồng phấn đấu đạt tỉnh nông thôn mới vào năm 2020. Làm được điều này là nhờ Lâm Đồng đã có hướng đi đúng trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao phù hợp; chủ động sản xuất thích ứng với điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu; sản xuất nông sản có chứng nhận; sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng, phát triển thương hiệu; bảo đảm an toàn thực phẩm và giá thành nông sản phù hợp...

Thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 và nông nghiệp hữu cơ.

Cụ thể, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, các quy hoạch chuyên ngành theo hướng tiếp cận đa ngành; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng theo quy hoạch trên cơ sở lấy khoa học công nghệ là khâu đột phá.

Song song với việc đào tạo các chuyên gia đầu ngành, đào tạo các nhà quản trị giỏi của ngành nông nghiệp, tỉnh tiếp tục thực hiện mô hình đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật, tay nghề cho nông dân theo hình thức vừa học vừa làm; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm; tập trung các giải pháp đồng bộ, đột phá thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2025...

Khẳng định vai trò của khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Matsuura cho rằng, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là điều kiện tiên quyết để phát triển ngành nông nghiệp bền vững trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của thị trường về chất lượng, sản lượng sản phẩm nông nghiệp.

Ông Hiroshi Matsuura cho rằng với các thiết bị hỗ trợ cho máy nông nghiệp, ngay cả người sử dụng không có kinh nghiệm cũng có thể thực hiện những thao tác có độ chính xác cao. Việc tổng hợp kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp thành dữ liệu cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những lao động trẻ có điều kiện thử sức, khởi nghiệp từ nông nghiệp./.

Nghị quyết “tam nông” tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại ảnh 3
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục