Ngày 23/11, các nhà khoa học Đức và Brazil thông báo đã phát hiện những dấu tích lâu đời minh chứng cho sự tồn tại những nghi thức tang lễ theo kiểu hỏa táng, xử lý thi thể người quá cố hay thậm chí có thể là ăn thịt người chết tại Brazil từ gần 10.000 năm trước.
Nghiên cứu do Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck và Đại học Sao Paulo phối hợp thực hiện cho thấy các nghi thức tang lễ phức tạp này được thực hiện từ 9.500 năm trước tại Lapa do Santo, miền Trung Brazil.
Trưởng nhóm nghiên cứu André Strauss thuộc Viện Max Planck thừa nhận sự đa dạng trong nghi thức mai táng tại Lapa do Santo đã khiến giới chuyên gia bất ngờ. Từ 10.000 năm trước, những cư dân cổ xưa tại phía Đông của khu vực Nam Mỹ đã có được những kỹ thuật tinh vi trong xử lý thi thể người qua đời.
Kết quả nghiên cứu tiết lộ các cư dân Lapa do Santo đã bắt đầu dùng nơi này để chôn cất người chết từ những năm 8.600-8.200 trước Công nguyên. Những thi thể này đều nguyên vẹn, không có dấu hiệu của sự can thiệp sau khi chết.
Tuy nhiên, đến khoảng năm 7400-7200 năm trước Công nguyên, những người cổ xưa lại thực hiện nghi thức mai táng mà theo các chuyên gia là "giảm bớt" các bộ phận thi thể.
Tạp chí Antiquity của Anh đăng tải nghiên cứu này cho biết các kỹ thuật xử lý thi thể người quá cố bao gồm cắt nhỏ, loại bỏ thịt hoặc răng, hỏa táng và có thể là cả ăn thịt người chết.
Những nghi thức mai táng giai đoạn này không bao gồm các tượng đài hay chôn cất của cải cùng với người chết.
Nghiên cứu từ 26 ngôi mộ cho thấy những xác chết sau khi qua quá trình bị xử lý thì tiếp tục được chôn cất theo những quy tắc nghiêm ngặt.
Nghiên cứu nhận định các cư dân của vùng là những nhóm người năng động, thay đổi liên tục cách mai táng./.