Trong nhiều năm, giới khoa học luôn tìm cách lý giải tại sao nền văn minh Maya huy hoàng lại có thể sụp đổ. Giả thiết phổ biến nhất cho rằng hạn hán chính là nguyên nhân, song một nghiên cứu mới đây đã làm lung lay quan niệm này.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, trong bài đăng trên tạp chí hàn lâm PNAS, các nhà khoa học Louis Santiago và Scott Fedick thuộc Đại học California tại Riverside (UCR), Mỹ, cho biết đã nghiên cứu 497 loại cây lương thực bản địa từng được người Maya sử dụng.
Kết quả cho thấy, kể cả trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất, 59 loại cây trong số này vẫn có thể tồn tại. Trên thực tế, cũng chưa có bằng chứng xác đáng nào chứng minh người Maya từng đối mặt với hạn hán cực kì khắc nghiệt.
Mặc dù chưa có câu trả lời rõ ràng về nguyên nhân nền văn minh Maya sụp đổ, các nhà khoa học cho rằng những biến động kinh tế-xã hội cũng có một vai trò nhất định.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có thể khẳng định chắc chắn rằng lời giải thích quá đơn giản về nạn hạn hán tàn phá nền nông nghiệp là không chính xác.
Nghiên cứu cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc khai thác đa dạng các loại thực vật để thích ứng với hạn hán và biến đổi khí hậu.
Các nhà khoa học cho rằng ngay cả khi phải đối mặt với hạn hán liên tiếp, duy trì đa dạng các loại cây trồng có khả năng chống chịu sẽ cho phép con người thích nghi và tồn tại, trong thời cổ lẫn hiện đại.
[Phát hiện mới về nguồn gốc các nền văn minh Trung Bộ châu Mỹ cổ đại]
Maya từng là một nền văn minh vĩ đại, đạt tới đỉnh cao của mọi lĩnh vực từ kiến trúc, toán học, thiên văn học cho đến nghệ thuật. Xuất hiện từ năm 2.000 trước Công nguyên, nhiều công trình ấn tượng của người Maya vẫn còn tồn tại trong các khu rừng ở phía Đông Nam Mexico, Guatemala, Belize và phía Tây của Honduras.
Trong thời kỳ đầu Công nguyên, hàng loạt nhà nước, quốc gia của người Maya được thành lập và phát triển rực rỡ, đa dạng. Tuy nhiên, các quốc gia lần lượt diệt vong một cách bí ẩn và gần như biến mất hoàn toàn vào thế kỷ 10.
Chỉ duy nhất một quốc gia trên bán đảo Yucatan, Mexico tiếp tục tồn tại đến thế kỷ 16, trước khi biến mất trước cuộc xâm lăng của người Tây Ban Nha./.