Ngoại trưởng Azerbaijan kêu gọi Armenia trở lại bàn đàm phán

Ngoại trưởng Azerbaijan nêu rõ các cuộc đàm phán trong 6 tháng qua đã đạt được một số tiến triển và nếu hai bên ít gặp phải những bất ngờ tiêu cực thì kết quả đàm phán sẽ tốt hơn.
Ngoại trưởng Azerbaijan kêu gọi Armenia trở lại bàn đàm phán ảnh 1Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov. (Nguồn: trend.az)

Ngày 28/2, Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov cho rằng việc thảo luận về hiệp ước hòa bình với Armenia qua kênh ngoại giao trực tuyến là không hiệu quả, đồng thời kêu gọi Yerevan quay lại bàn đàm phán.

Phát biểu tại họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Bayramov nêu rõ các cuộc đàm phán trong 6 tháng qua đã đạt được một số tiến triển. Tuy nhiên, nếu hai bên thực sự tập trung vào kết quả và ít gặp phải những bất ngờ tiêu cực, thì kết quả đàm phán sẽ tốt hơn.

Ông Bayramov nhận định đây không phải là cách thức trao đổi hiệu quả nhất trong việc thảo luận về hiệp ước hòa bình, đồng thời cho rằng bên phía Armenia sẽ nhận ra sự bất cập trong cách tiếp cận như vậy đối với tình hình hiện nay và quay trở lại bàn đàm phán. Ông khẳng định phía Azerbaijan cũng đã sẵn sàng cho đàm phán trực tiếp.

Cũng tại họp báo, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga sẵn sàng tổ chức đối thoại ba bên cấp ngoại trưởng giữa Nga, Azerbaijan và Armenia. Ông cho biết phía Azerbaijan cũng tỏ ý sẵn sàng tổ chức cuộc họp mới theo hình thức như vậy. Về phần mình, Armenia không phản đối nhưng cũng chưa xác nhận chấp thuận ý tưởng này.

[Ngoại trưởng Nga đánh giá quan hệ với Azerbaijan phát triển hiệu quả]

Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Moskva từng chủ trì một số cuộc họp ngoại trưởng ba bên, trong đó có cuộc họp vào tháng 12/2022, song phía Armenia sau đó đã tuyên bố không thể tham gia sự kiện này. Ông Lavrov hiện đang có chuyến thăm Azerbaijan từ ngày 27/2.

Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này.

Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng lên đến đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hàng chục cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp.

Vào tháng 5/2022, hai nước thông báo đã thành lập một ủy ban phân định biên giới và động thái này được đánh giá là bước đi hướng tới việc sớm chấm dứt tranh chấp khu vực Nagorny-Karabakh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục