Theo Foreign Policy/fairobserver.com/RFI, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục sử dụng đòn trừng phạt thuế quan để gây áp lực và nắn gân các đối tác thương mại dù đó là đồng minh hay đối thủ cạnh tranh trực diện.
Bên cạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đến nay không nhìn thấy hồi kết, chính quyền Donald Trump dường như không ngần ngại mở rộng cuộc chiến thuế quan ra khắp các châu lục với mọi đối tác bất kể đó là ai, kích động một cuộc chiến dường như không có mục tiêu rõ ràng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổng thống Mỹ đã có hàng chục lần đe dọa đánh thuế đối phương để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán, dĩ nhiên là dành phần lợi cho Mỹ.
Edward Alden, chuyên gia về chính sách thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), phân tích: “Tôi cho rằng cách duy nhất để hiểu những việc đó là phải công nhận tổng thống Trump là người thích các loại thuế. Thuế không phải là thứ vũ khí hiệu quả nhất song Trump vẫn tin rằng đòn thuế sẽ gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh và có lợi cho kinh tế Mỹ.”
Thực tế kinh tế Mỹ tăng trưởng vững chắc hơn theo dự báo trong quý 3 năm nay, ổn định ở mức khoảng 2,1%. Nhưng kết quả đó được giới phân tích cho là do sức mua của người tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ.
Trung Quốc giờ không còn là mục tiêu duy nhất của Mỹ nữa. Tổng thống Donald Trump ngày 2/12 thông báo áp thuế đối với mặt hàng thép nhôm của Brazil và Argentina, đồng thời cân nhắc tăng thuế lên đến 100% đối với 2,4 tỷ USD hàng tiêu dùng phổ biến của Pháp để trả đũa việc Paris đánh thuế các “gã khổng lồ” tin học Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon.
[Chuyên gia: Bất đồng Mỹ-EU về thuế có thể không có lợi cho bên nào]
Chưa dừng lại đó, đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết chính phủ đang tìm hiểu xem liệu có nên mở các cuộc điều tra tương tự về thuế dịch vụ kỹ thuật số của Áo, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ hay không.
Trong năm nay chính phủ Pháp đã phê duyệt luật thuế dịch vụ kỹ thuật số mới đối với các hoạt động kinh tế trực tuyến, khiến nhiều công ty công nghệ Mỹ chịu ảnh hưởng.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ trả đũa bằng cách tiến hành một cuộc điều tra xem mức thuế mà Pháp áp đặt có công bằng với các công ty Mỹ hay không.
Sau khi văn phòng này có kết luận, nhấn mạnh Pháp áp thuế với các ông lớn công nghệ của Mỹ dù họ không có nhiều sự hiện diện tại Pháp, Washington tuyên bố các mặt hàng như rượu vang, phomai và túi xách của Pháp nằm trong danh sách số hàng hóa trị giá 2,4 tỷ USD có thể chịu mức thuế 100% từ giữa tháng 1/2020.
Nhờ sự chống lưng của giới cầm quyền Mỹ, bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng lớn đối với nền dân chủ và các thị trường mở - nhóm “bộ tứ” công nghệ Mỹ gồm Google, Amazon, Facebook và Apple đã trở thành nguồn thu lợi nhuận khủng cho một bộ phận nhỏ người Mỹ.
Trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp này liên tục làm tăng giá trị thị trường chứng khoán, một thực tế mà Tổng thống Trump luôn tự hào.
France 24 miêu tả động cơ đằng sau các khoản thuế mà Mỹ đe dọa đáp trả Pháp: “Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nói rằng cuộc điều tra về ‘Mục 301’ cho thấy các khoản thuế của Pháp là ‘không phù hợp với các nguyên tắc chính sách thuế quốc tế, và đặt gánh nặng cực kỳ lớn cho các doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng’, trong đó có các tập đoàn Google, Facebook, Apple và Amazon.”
Nguyên nhân dẫn đến lời đe dọa của Trump rất rõ ràng. Tổng thống Mỹ cho rằng Mỹ có đặc quyền xác lập luật thuế với các quốc gia khác khi họ tiếp cận các dịch vụ được doanh nghiệp Mỹ cung cấp trên những thị trường bị khống chế.
Châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận “luật chơi” và ảnh hưởng của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, những doanh nghiệp rất giỏi trong việc thu lợi từ xã hội đa dạng hóa của châu Âu nhờ những điều khoản thuế có lợi.
Trái lại, Mỹ, một quốc gia thống nhất, có thể tận dụng ảnh hưởng của mình để áp đặt trừng phạt đối với mỗi một quốc gia châu Âu không đồng tình với chiến lược toàn cầu của các tập đoàn này.
Đại diện Thương mại Mỹ lý giải: “Chúng tôi tập trung vào việc đối phó với chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng của các nước thành viên EU, vốn có những quy định bất công nhằm vào doanh nghiệp Mỹ, cho dù là qua các khoản thuế dịch vụ số hay những nỗ lực nhằm vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số hàng đầu của Mỹ.”
Thực tế, mâu thuẫn Pháp-Mỹ về thuế quan lại có thể nhìn theo hướng khác. Euronews diễn giải Pháp đánh thuế 3% đối với “các doanh nghiệp công nghệ lớn có thu nhập hơn 750 triệu euro (tương đương 830 triệu USD), với ít nhất 25 triệu euro doanh thu làm ra tại Pháp.”
Euronews cũng lý giải cách “nhiều ông lớn trong ngành công nghệ né được các khoản thuế doanh nghiệp tại các nước mà họ không có nhiều sự hiện diện về mặt pháp lý” bằng cách báo cáo rằng lợi nhuận chủ yếu tập trung tại các quốc gia mà họ đặt trụ sở. Pháp phủ nhận cáo buộc cho rằng luật này “cố tình nhằm vào các doanh nghiệp Mỹ,” khẳng định luật thuế mới là nhằm vào một loại doanh nghiệp cụ thể, chứ không phải một quốc gia nào đó.
Điều đó diễn ra bởi Mỹ vốn cho phép, và giờ là khuyến khích những kiểu độc quyền như thế này, bất chấp lời kêu gọi của Quốc hội về các cuộc điều tra chống độc quyền, chẳng hạn như đối với Facebook.”
Theo Euronews, điều đáng chú ý trong cuộc chiến thương mại mới này là việc “chính phủ Pháp khẳng định khoản thuế mà họ áp dụng sẽ được rút lại nếu các nước nhất trí về một biện pháp chống độc quyền trên quy mô quốc tế.”
Nói cách khách, mục tiêu của Pháp không phải là thách thức vị thế hàng đầu của Mỹ hay trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ, và cũng không phải là để thu tiền từ hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ vận hành tại thị trường Pháp.
Mục tiêu của bước đi này là thúc đẩy việc xây dựng các nguyên tắc tài chính trong hoạt động thương mại của các doanh nghiệp đa quốc gia lớn mạnh, những tập đoàn đầy mưu mẹo trong việc tận dụng thị trường và lách luật.
Những căng thẳng thương mại từ quyết định của Mỹ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như trật tự thế giới đang ở thời điểm quan trọng.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, và giữa Mỹ với châu Âu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đầu tư toàn cầu, khiến các cơ quan dự đoán kinh tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OECD) phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước, trong khi lĩnh vực sản xuất tại Mỹ đối mặt với tình trạng báo động đỏ.
Không rõ hành động của Mỹ có khiến Pháp, chứ chưa nói đến các quốc gia khác, chùn bước và phải cân nhắc lại quyết sách của mình hay không.
Giới chức Pháp ngày 3/12 vẫn khẳng định họ sẽ tiếp tục thúc đẩy thuế công nghệ số dù Mỹ đe dọa những gì, và một số các quốc gia khác như Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Italy và Canada đều cũng đang có kế hoạch triển khai các khoản thuế tương tự.
Foreign Policy nhận định hướng đi của Pháp sẽ ảnh hưởng tới quyết định của nhiều quốc gia khác. Julien Nocetti, học giả làm việc tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, bình luận: “Các quốc gia khác sẽ cân nhắc kỹ càng trước khi thúc đẩy dự luật của mình. Nếu Pháp rút lui, họ chắc chắn sẽ chùn lại.”
Trừng phạt bằng thuế giờ đây như là một bộ phận không tách rời với chính sách thương mại của Washington. Tuy nhiên, những đe dọa hay quyết định áp thuế của Nhà Trắng được đưa ra bởi một lãnh đạo có tính khí thất thường, khó lường như Trump. Eswar Prasad, Giáo sư về chính sách thương mại tại Đại học Cornell và là một chuyên gia về Trung Quốc, bình luận: “Sự bốc đồng và dễ dao động của Trump sẽ làm cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ với các đối tác thương mại chính của mình trở nên khó đoán định và nhiều rủi ro.
Thêm vào đó, những thay đổi bất ngờ giữa các cuộc thương lượng vốn đã phức tạp khiến cho các nhà đàm phán của Mỹ không biết đường nào mà hành động hay giải thích.”
Giới chuyên gia đa phần đều nghi ngờ về hiệu quả và lo ngại những hậu quả từ các biện pháp thuế quan mới của Tổng thống Trump có thể làm hỏng các cuộc đàm phán đang và sẽ diễn ra với các quốc gia ở châu Á và châu Âu./.