Những ngày cuối tháng Sáu này, ngư dân các xã ven biển Thanh Hóa đang rộn ràng bước vào vụ đánh bắt và chế biến moi biển.
Hàng ngày, những bè mảng của ngư dân lại nối đuôi nhau ra khơi đánh bắt và trở về đầy ắp moi tươi.
Theo kinh nghiệm đánh bắt moi biển (nhiều nơi vẫn gọi là con ruốc biển, tép biển) của ngư dân tỉnh Thanh Hóa, đây đang là thời điểm chính vụ moi biển. Hơn một tuần trở lại đây, hầu hết những chiếc bè mảng, thuyền đánh bắt của ngư dân các địa phương ven biển như Hoằng Hóa, Quảng Xương, Hậu Lộc, thị xã Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn… đều tích cực vươn khơi, bám biển.
Moi thường theo luồng vào gần bờ nên chỉ sau vài giờ đánh bắt cách bờ từ 5-10 hải lý, các bè mảng lại lần lượt vào bờ mang theo từ 3-5 tạ moi biển, bè nào trúng đậm có thể đánh bắt được cả tấn moi chỉ trong buổi sáng. Đây là thời điểm chính vụ nên những con moi biển rất tươi ngon, mỏng vỏ, dày thịt.
Anh Nguyễn Văn Long ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, phấn khởi cho biết: “Chỉ chưa đầy 6 giờ đánh bắt trên biển, bè mảng của tôi đánh bắt được hơn 5 tạ moi tươi, trừ mọi chi phí, lãi khoảng 2 triệu đồng. Với ngư dân ven biển, đây là thu nhập đáng kể nên ai cũng tận dụng thời gian giong thuyền ra khơi để thu hoạch loại hải sản này.”
Ngư dân Trương Văn Sơn ở xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, cho hay thuyền vừa cập bến, thương lái đã chờ sẵn để thu gom mang tới các chợ truyền thống hoặc các cơ sở chế biến. Tuy không trúng đậm như vài ngày trước, nhưng anh Sơn tính sơ cũng lời ít nhất vài triệu đồng.
Thời gian đi biển ngắn nhưng lượng moi đánh bắt được nhiều nên ngư dân rất phấn khởi. Moi biển đánh bắt vào bờ được các thương lái mua ngay tại bến. Với giá từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg, bình quân mỗi ngày sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi bè mảng cho thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng, tùy theo lượng moi đánh bắt được.
Từ con moi biển, người dân chế biến thành những món ngon như moi xào, moi nấu canh chua, moi rang hành mỡ… Ngoài ra, moi biển có thể chế biến thành nhiều thành phẩm khác nhau; trong đó, mắm moi, mắm tôm đang là một loại đặc sản nổi tiếng ở Thanh Hóa được nhiều người yêu thích.
Giám đốc Lê Anh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia ở xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, cho biết: “Từ những con moi biển tươi xanh, sau khi được ngư dân vớt lên từ biển sẽ được nhặt sạch tạp chất, để ráo nước rồi ướp muối ngay khi lên bờ, sau đó sẽ được ủ lên men tự nhiên trong thùng gỗ theo phương pháp nén gài truyền thống để cho ra những sản phẩm mắm tôm, mắm moi chất lượng nhất. Hiện công ty đã mang những tinh túy nhất từ biển quê hương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước."
Tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa đang sản xuất sản phẩm OCOP 3-5 sao như “Mắm tôm Lê Gia,” “Mắm moi Lê Gia,, "Mắm tép làm kim chi."
Hiện ngành thủy sản Thanh Hóa đang phối hợp với các địa phương ven biển khuyến khích ngư dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để khai thác hiệu quả mùa moi biển cũng như khuyến cáo ngư dân và các cơ sở chế biến giữ gìn vệ sinh môi trường trong thu hoạch, chế biến…/.
Nghệ An: Rộn ràng mùa khai thác ruốc biển của ngư dân huyện Diễn Châu
Hơn 1 tuần qua, sau chuyến đi biển kéo dài từ tờ mờ sáng, cập bến bãi vào trưa cùng ngày, mỗi bè mảng của ngư dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, mang về từ 1-3 tạ ruốc tươi, cho thu nhập khá ổn định.