Ngư dân tỉnh Ninh Thuận vươn khơi khai thác vụ cá Nam

Ông Trần Văn Thái, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, chia sẻ năm nay thời tiết thuận lợi cho khai thác vụ cá Nam, nhờ áp dụng công nghệ nên mỗi chuyến đi khai thác được hơn 1,5 tấn cá sộp, mú, cá ngừ...

Các loại cá biển được bày bán tại cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Các loại cá biển được bày bán tại cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Vụ cá Nam bắt đầu từ tháng Tư đến tháng Chín Âm lịch, đối với ngư dân ở các địa phương ven biển ở tỉnh Ninh Thuận, đây là vụ khai thác hải sản chính trong năm.

Để giúp ngư dân khai thác hiệu quả, ngành thủy sản thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản; đồng thời hướng dẫn bà con ngư dân tuân thủ các quy định Luật Thủy sản khi tham gia khai thác trên biển.

Những ngày này, tại các cảng cá lớn như Đông Hải ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Chữ và Mỹ Tân của huyện Ninh Hải, Cà Ná ở huyện Thuận Nam, nhộn nhịp cảnh tàu thuyền thay phiên vào cập bờ bốc dỡ hải sản bán cho thương lái.

Ngay sau đó, các chủ tàu tranh thủ vận chuyển lương thực, thực phẩm, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh để tiếp tục vươn khơi. Để hỗ trợ ngư dân, Ban quản lý các cảng cá duy trì lực lượng túc trực sắp xếp, hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng và bố trí địa điểm cho các phương tiện vận chuyển bốc dỡ hải sản được thuận lợi.

Tại cảng cá Mỹ Tân, ngay từ sáng sớm bà con ngư dân đã hối hả vận chuyển các loại cá nục, cá cơm... từ khoang thuyền lên bờ cân bán cho thương lái.

Ông Trần Văn Nam, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, chia sẻ thời gian qua khu vực biển ở đây xuất hiện nhiều đàn cá nục, các tàu cá đi cách bờ khoảng 12-15 hải lý sau một ngày khai thác mỗi tàu cá đạt sản lượng từ 3-5 tấn, có tàu gặp trúng luồng cá có thể khai thác được trên chục tấn. Như chuyến biển này, tàu cá của gia đình ông Nam khai thác được gần 4 tấn cá, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, trừ các chi phí cũng còn lãi vài chục triệu đồng.

Tham gia khai thác xa bờ, ông Trần Văn Thái, xã Tri Hải, huyện Ninh Hải, chia sẻ vụ cá Nam năm nay thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản. Mỗi tháng tàu cá đi biển hai chuyến khai thác tại khu vực đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa. Nhờ áp dụng công nghệ trong khai thác nên mỗi chuyến biển tàu khai thác đạt trên 1,5 tấn cá sộp, mú, cá ngừ các loại. Sau khi trừ chi phí nhiên liệu, công trả cho bạn thuyền, gia đình còn thu nhập từ 70-90 triệu đồng. Sản lượng hải sản khai thác đạt khá, giá bán ổn định giúp cho gia đình ông Thái cũng như bà con ngư dân ở địa phương có thêm động lực vươn khơi bám biển.

ttxvn_vu ca Nam Ninh Thuan.jpg
Ngư dân vận chuyển cá đưa đi tiêu thụ tại cảng cá Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Ngư trường xuất hiện các đàn cá cơm từ xung quanh khu vực đảo Phú Quý, biển ven bờ Mũi Né, tỉnh Bình Thuận; khu vực đảo Côn Sơn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; khu vực biển Ninh Thuận đến Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa xuất hiện các đàn cá nục.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 98% tàu cá hoạt động khai thác thủy sản. Các nghề khai thác đạt hiệu quả như lưới vây (cá nục, cá cơm), pha xúc (cá cơm). Tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh khai thác được trên 35.500 tấn hải sản các loại, đạt gần 28% kế hoạch năm.

Hiện nay, các sản phẩm hải sản khai thác được thu mua tại cảng như cá cơm có giá dao động từ 15.000-22.000 đồng/kg; cá nục có giá từ 20.000-45.000 đồng/kg; cá đổng có giá từ 50.000-90.000 đồng/kg; cá ngừ chù có giá từ 40.000-60.000 đồng/kg; cá ngừ sọc dưa có giá từ 35.000-50.000 đồng/kg; cá cờ có giá từ 50.000-80.000 đồng/kg; mực ống có giá từ 100.000-350.000 đồng/kg; mực nang có giá từ 110.000-250.000 đồng/kg; tôm có giá từ 180.000-350.000 đồng/kg tùy kích cỡ, chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Phấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận, cho biết năm nay, tỉnh đặt chỉ tiêu khai thác 127.150 tấn hải sản các loại. Để đạt kế hoạch đề ra, ngành thủy sản đã thông báo đến các địa phương huy động tối đa đội tàu thuyền sản xuất vụ cá Nam; cung cấp các thông tin về ngư trường, nguồn lợi thủy sản và thị trường tiêu thụ để bà con ngư dân chủ động lập kế hoạch tổ chức sản xuất.

Đồng thời, tỉnh tổ chức hoạt động khai thác hải sản trên biển theo các tổ, đội đoàn kết để hỗ trợ nhau trong sản xuất trên các ngư trường; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển như thu mua hải sản, cung cấp nhiên liệu cũng như nhu yếu phẩm ngay trên biển, đảo để tăng hiệu quả khai thác, giảm chi phí sản xuất.

Cùng với khuyến khích ngư dân vươn khơi khai thác vụ cá Nam, tỉnh Ninh Thuận cũng đang dồn sức triển khai đồng bộ các quy định pháp luật về quản lý khai thác thủy sản, tập trung thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đến thời điểm hiện tại, Ninh Thuận là địa phương không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và cũng chưa có lô hàng thủy sản nào bị yêu cầu chứng nhận về nguồn gốc nguyên liệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục