Người dân cần có quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực khoáng sản

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh tình hình khai khoáng vẫn đang diễn ra tràn lan, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực khoáng sản là điều cần thiết.
Người dân cần có quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực khoáng sản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong bối cảnh tình hình khai khoáng vẫn đang diễn ra tràn lan, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền tiếp cận, cung cấp thông tin trong lĩnh vực khoáng sản là điều cần thiết, để đảm bảo hoạt động khai khoáng công khai minh bạch, cũng như thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác, sử dụng nguồn khoáng sản một cách bền vững.

Thông tin trên vừa được ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đưa ra tại buổi Tọa đàm “Thúc đẩy thực thi quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực khoáng sản ở Việt Nam,” diễn ra ngày 28/9, tại Hà Nội.

Chia sẻ thêm tại buổi Tọa đàm, ông Nguyên cho biết, từ năm 2010 đến nay, khung chính sách và pháp luật về quản trị tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện. Trong tiến trình đó, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra nhiều khuyến nghị về việc cần phải minh bạch hóa ngành công nghiệp khoáng sản như là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để nâng cao năng lực quản trị.

Mặc dù nguyên tắc công khai, minh bạch chưa chính thức được ghi nhận rộng rãi trong các văn bản pháp luật của ngành khoáng sản, song nhiều quy định hướng tới minh bạch đã được đưa vào luật, và được kỳ vọng là sẽ góp phần cung cấp thông tin cho công chúng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác; sử dụng nguồn lợi từ khoáng sản một cách bền vững và đạt hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, Luật tiếp cận thông tin cũng đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, sẽ là cơ hội lớn để người dân, các tổ chức xã hội quan tâm tới lĩnh vực khai khoáng được phép tiếp cận với các nguồn thông tin khác nhau trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại Việt Nam.

[Sớm ngăn chặn tình trạng khai khoáng trái phép trên sông Hồng]

Ở một góc độ khác, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Nguyên vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính, Bộ Tư pháp, cho rằng trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan quản lý nhà nước và quyền tiếp cận thông tin của công dân nói chung và trong lĩnh vực khoáng sản nói riêng cần có sự công khai, kịp thời, đầy đủ và chính xác, các cơ quan cần chủ động cập nhật công khai danh mục thông tin.

 

Bà Thoa cũng lưu ý, hiện nay, thách thức lớn nhất là việc rà soát các quy định về công khai minh bạch trong lĩnh vực khai khoáng cũng gặp nhiều khó khăn, do vấn đề công khai thông tin về nộp thuế và các khoản thu ngân sách của Việt Nam chưa đáp ứng tiêu chuẩn EITI (sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác) bởi đây được coi là thông tin cá nhân của người nộp thuế.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về luật, trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan quản lý nhà nước và quyền tiếp cận thông tin của công dân trong lĩnh vực khoảng sản; đánh giá các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch hóa trong ngành khai khoáng; rà soát các quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực khai khoáng của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục