Người đàn ông bị những chiếc đồng hồ cổ bỏ bùa

Anh Nguyễn Đức Năng sở hữu gia tài độc đáo hơn 200 chiếc đồng hồ cổ, gồm cả đồng hồ tủ, đồng hồ treo tường và đồng hồ để bàn.
Người đàn ông đó mới ngoài 30 tuổi nhưng đã sở hữu gia tài độc đáo hơn 200 chiếc đồng hồ cổ, bao gồm cả đồng hồ tủ, đồng hồ treo tường và đồng hồ để bàn.

May mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống sưu tập đồng hồ cổ, anh Nguyễn Đức Năng ở phố Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) khiến chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước tình yêu của anh với những món đồ kêu “tích tắc.”

Tiếng thở của thời gian

“Từ khi còn là học sinh trung học, nhiều đêm tôi phải thức học bài thi, tiếng chuông đồng hồ 'tinh tính tình' cứ nửa tiếng lại đổ một hồi... cứ thế tự nhiên gắn bó và thôi thúc tôi kế thừa những kiến thức về đồng hồ cổ của gia đình mình từ đó,” anh Năng kể.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống năm đời đam mê sưu tầm đồ cổ ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, anh Năng có cơ hội sớm được tiếp cận với những kiến thức về đồng hồ cổ. Từ nhiều năm trước, cụ rồi ông và bố anh đã say đồng hồ cổ, cứ nghe thấy ở đâu có đồng hồ độc đáo là họ tìm đến.

Có lẽ những âm thanh tích tắc, tích tắc đã thôi thúc họ tìm kiếm và sở hữu chúng. Những chiếc đồng hồ ấy như thách thức thời gian, bền bỉ đếm từng phút từng giờ qua hàng thế kỷ. Nó còn là hiện thân của lịch sử, của văn hóa...

Trong bộ sưu tập của anh Năng và gia đình có những chiếc được làm bằng sứ, có chiếc bằng đồng, có những chiếc đồ sộ nhưng cũng có những chiếc rất nhỏ. Mặc dù hình dáng khác nhau, tiếng chuông khác nhau nhưng chúng đều mang trong mình những giá trị nghệ thuật và hội họa rất rõ nét.

Đồng hồ của anh Năng có giá thấp nhất cũng 20-30 triệu đồng, cái cao cũng phải đến 500-600 triệu đồng. Thế nhưng, với người đàn ông trót dành đam mê cả đời cho đồng hồ này thì giá trị của những “đứa con tinh thần” ấy lại không nằm ở giá bán.

Giá trị nằm ở chỗ các nghệ nhân đã gửi gắm sự tinh tế của tâm hồn vào những nét chạm khắc tinh xảo và ở dấu ấn thời gian đã tạc vào mỗi tác phẩm. Và những tiếng thở của thời gian ấy là giá trị không thể định giá!

Nơi thời gian ngừng lại…


Trong bộ sưu tập của anh Năng và gia đình có những chiếc đồng hồ ra đời từ thế kỷ XVII-XVIII mà hiện vẫn chạy tốt, tiếng chuông vang tròn và đều. Ấy là nơi thời gian ngừng lại!

“Hầu hết chúng được những người thợ làm thủ công, từng nét chạm khắc tinh xảo và chính xác như được lập trình làm trên máy vậy; từng con lăn, bánh răng, kim đồng hồ cũng đều được làm bằng tay. Trải qua hàng chục thập kỷ mà nhiều chiếc đồng hồ vẫn chạy tốt, độ ăn mòn rất ít,” anh Năng cho biết.

Để có thể sở hữu bộ sưu tập đồ sộ như hiện nay anh Năng đã phải lặn lội rất nhiều nơi trong và ngoài nước. Chỉ cần nghe phong thanh ở đâu có “hàng” là anh lặn lội đến bằng được vì thế mỗi chiếc với anh là một kỷ niệm.

Những chuyến đi thực tế cho anh Năng thêm nhiều bạn mới cũng như kinh nghiệm và đến giờ anh vẫn chưa thỏa lòng với kho gia tài của mình. Cả ngôi nhà đồ đạc đều đã nhường chỗ cho những chiếc đồng hồ an tọa.

Mỗi khi ngắm nhìn và chăm chút cho thành quả của mình, đôi chân của người đàn ông ấy dường như lại muốn lên đường. Anh nói: “Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn. Tôi vẫn còn trẻ, còn phải học hỏi nhiều và cần phải đi nhiều hơn nữa sưu tầm đồng hồ để bộ sưu tập của mình ngày càng phong phú và đa dạng hơn.”

“Hãy quý trọng từng giây phút mà bạn có! Và hãy nhớ rằng thời gian chẳng chờ đợi ai cả. Ngày hôm qua đã là lịch sử. Ngày mai là một bí ẩn. Hôm nay là quà tặng. Trong nhịp sống hối hả ngày hôm nay, đôi lúc hãy lắng lòng mình lại để tìm một chút bình yên, hãy lắng tai nghe những tiếng chuông đồng hồ rung theo nhịp để cảm nhận tiếng thở của thời gian và hãy quý trọng, hãy gìn giữ những giá trị thời gian mà chúng ta đang có.” Đó là lời tâm sự của anh Năng với độc giả Vietnam+ vào dịp năm mới./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục