Số lượng người di cư qua biên giới Mexico-Mỹ trong tháng 6/2021 được Cơ quan Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) ghi lại đã lên mức hằng tháng cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Cụ thể, trong tháng Sáu, CBP đã chặn tổng cộng 188.829 người di cư tìm cách vượt biên giới phía Nam để vào Mỹ. Con số này tăng 5% so với tháng Năm và là tổng số người di cư theo tháng cao nhất mà CBP từng chặn trong ít nhất hai thập kỷ.
Như vậy, tính từ đầu tài khóa 2021 (tháng 10/2020) đến nay, CBP đã chặn hơn 1 triệu người di cư.
Kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên cầm quyền, chấm dứt nhiều chính sách nhập cư hà khắc của chính quyền tiền nhiệm, Mỹ đã phải đối mặt với làn sóng người di cư ngày càng gia tăng, tìm cách vào quốc gia này từ biên giới phía Nam.
Hiện Chính phủ Mỹ vẫn cho phép CBP trục xuất những người di cư không có giấy tờ hợp lệ để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh COVID-19 lây lan.
Hầu hết những người di cư bị chặn lại tại biên giới là người trưởng thành độc thân (117.602 người). CBP cũng đã chặn khoảng 55.805 người đi theo nhóm gia đình, 15.253 trẻ em không có người giám hộ đi cùng và 1.155 trẻ em có người giám hộ đi cùng.
Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng việc số lượng người di cư tăng mạng là do xu hướng di cư thường thấy và do chính quyền tiền nhiệm đã áp dụng các chính sách hà khắc.
["Giấc mơ Mỹ" trở thành nguồn thu bạc tỷ cho băng nhóm tội phạm Mexico]
Quyền Giám đốc CBP Troy Miller cảnh báo do điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt giữa mùa Hè, CBP cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi cứu trợ từ những người di cư bị các đối tượng buôn người bỏ rơi ở các vùng đất hoang không có bóng người.
Quan chức này cho biết dù CBP sẽ nỗ lực để tìm kiếm và cứu giúp người di cư nhưng địa hình khu vực biên giới phía Nam rất phức tạp, nắng nóng gay gắt cản trở quá trình cứu hộ nên cơ quan này cảnh báo người di cư không mạo hiểm.
Trong một diễn biến liên quan, trong phán quyết đưa ra ngày 16/7, một thẩm phán liên bang ở Texas đã ngăn chặn việc phê duyệt các đơn đăng ký mới cho Chương trình bảo vệ hàng trăm nghìn người nhập cư vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA), nhưng những người nhận DACA hiện tại sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo phán quyết của Thẩm phán Andrew Hanen - người nổi tiếng với lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư, Bộ An ninh Nội địa (DHS) đã vi phạm Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA) "với việc thành lập DACA và hoạt động của nó." Như vậy, DHS không thể chấp thuận những người nộp đơn mới vào chương trình.
Thẩm phán thừa nhận rằng những người đăng ký DACA hiện tại phụ thuộc vào các lợi ích của chương trình, gồm hoãn trục xuất, tạm tha trước để đi du lịch quốc tế và có giấy phép lao động để cuộc sống hàng ngày của họ. Trên cơ sở đó, Thẩm phán Hanen cho phép những người nhận DACA hiện tại duy trì và gia hạn các quyền lợi của họ trong khi chờ lệnh trong tương lai.
Phản ứng trước phán quyết trên, Thượng nghị sỹ Catherine Cortez Masto cho biết: “Phán quyết này là sai trái và sẽ đe dọa sự an toàn của hàng chục nghìn người nộp đơn DACA mới, những người sẽ không còn có thể theo đuổi tình trạng được bảo vệ. Điều này phải được đảo ngược."
Quyết định này làm gia tăng sức ép lên Quốc hội trong việc tìm giải pháp lập pháp cho những người nhập cư không có giấy tờ tới Mỹ khi còn là vị thành niên, cũng như đối với các nhà lập pháp dân chủ muốn đưa các điều khoản về nhập cư vào dự luật ngân sách.
Các kế hoạch sơ bộ cho kế hoạch ngân sách trị giá 3.500 tỷ USD của đảng Dân chủ bao gồm một con đường luật định để trở thành công dân cho những người thuộc thế hệ “Dreamers” (Những người mộng mơ), bao gồm những người nhận DACA, người thụ hưởng chương trình Tình trạng được bảo vệ tạm thời (TPS), công nhân thiết yếu không có giấy tờ và nông dân không có giấy tờ.
DACA do cựu Tổng thống Barack Obama thiết lập vào năm 2012 sau khi nỗ lực thông qua dự luật cải cách di trú lưỡng đảng không thành công tại Quốc hội. Chương trình này cũng bị cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích mạnh mẽ và nỗ lực chấm dứt./.