'Người đi dép cao su': Chân dung Bác Hồ trong kịch của tác giả Algeria

Vở kịch khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc với những chặng đường đấu tranh giành độc lập dưới góc nhìn của một nhà văn người nước ngoài.
'Người đi dép cao su': Chân dung Bác Hồ trong kịch của tác giả Algeria ảnh 1Tập thể các nghệ sỹ Nhà hát kịch Việt Nam sẽ tham gia dự án kịch thơ Người đi dép cao su. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Ngày 15/2, Nhà hát Kịch Việt Nam chính thức khởi công vở diễn "Người đi dép cao su" của tác giả nổi tiếng người Algeria - Kateb Yacine. Đây là hoạt động hưởng ứng mốc son 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Algeria (28/10/1962-28/10/2022).

Năm 1967, nhà văn Kateb Yacine (1929-1989) đến Việt Nam. Những điều tai nghe mắt thấy về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt trên đất nước Việt Nam đã truyền cảm hứng sáng tạo cho nhà văn. Và kịch thơ "Người đi dép cao su" ra đời. Vở kịch này đã thành công trên nhiều sân khấu thế giới trong những năm đầu thập niên 1970 nhưng chưa từng được dàn dựng và công diễn ở Việt Nam.

Đây là tác phẩm gồm tám hồi, với khoảng 150 nhân vật có lời thoại. Nội dung vở kịch trải dài theo trật tự thời gian của tiến trình lịch sử đất nước Việt Nam, từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, trải qua các cuộc đấu tranh gìn giữ đất nước qua các thời kỳ đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời năm 1969. Đan kết vào trục chính ấy là các hành động kịch diễn ra tại Pháp, Mỹ, Trung Quốc... và nhiều nước khác trên thế giới.

Tác phẩm là một cuộc trình diễn lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam bằng nghệ thuật sân khấu. Tinh hoa của quá trình phát triển lịch sử dân tộc Việt Nam được khắc họa vô cùng độc đáo qua nhiều tuyến nhân vật trong tác phẩm, đặc biệt là hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Và tất cả những tiến trình đó sẽ được thể hiện lần đầu tiên tại sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Nguyên tác "Người đi dép cao su" với 1.800 lời thoại đã được đạo diễn-Tiến sỹ Lê Mạnh Hùng biên tập lại ngắn gọn và súc tích, với mong muốn "khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc với những chặng đường đấu tranh giành độc lập dưới góc nhìn của một nhà văn người nước ngoài."

Vở kịch có thời lượng khoảng 45-60 phút song vẫn giữ nguyên được không gian kịch đồ sộ.

Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: "Nhìn một cách tổng quan và sâu rộng, ‘Người đi dép cao su’ không đơn thuần chỉ là một tác phẩm kịch thơ ca ngợi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mà còn là một bản trường ca, khắc họa một cách vô cùng sống động về đất nước và con người Việt Nam qua những thời kỳ lịch sử; cũng như ngợi ca tinh thần chiến đầu kiên cường, anh dũng để bảo vệ và giữ vững nền độc lập hôm qua, hôm nay và mai sau."

[Nhà hát Kịch Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba]

Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam khẳng định rằng vở diễn "Người đi dép cao su" là cột mốc đánh dấu sự hợp tác giữa Nhà hát Kịch Việt Nam và Đại sứ quán Algeria tại Việt Nam trong việc dàn dựng các tác phẩm sân khấu, góp phần thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước trên phương diện nghệ thuật, giúp gắn bó và nâng cao đời sống tinh thần, cũng như đưa kịch nói Việt Nam đến gần hơn với khán giả yêu mến nghệ thuật sân khấu trên toàn thế giới.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Algeria tại Việt Nam Abdelhamid Boubazine xúc động cho rằng tác giả Kateb Yacine đã thể hiện nỗi thống khổ mà người dân Việt Nam phải chịu đựng.

“Trong tác phẩm này, nhân dân Việt Nam hiện diện một cách rất sống động; họ đứng lên, chiến đấu quả cảm và anh hùng. Điều đó nói lên rằng Kateb Yacine đã nghiêm túc nghiên cứu các tài liệu lịch sử, tên người, địa danh, sự kiện và sau đó tất cả được thể hiện thông qua sự chọn lọc khắt khe từng câu từ,” Đại sứ Abdelhamid Boubazine nhận xét.

Kateb Yacine đã từng chiến đấu cho nền độc lập dân tộc của đất nước Algeria khi viết cuốn tiểu thuyết “Vòng tròn trả thù.” Với “Người đi dép cao su,” ông đã tiếp tục cuộc chiến đấu không mệt mỏi của mình để chống lại mọi ách áp bức. Đại sứ Algeria cho rằng so với các vở kịch khác về đề tài chiến tranh Việt Nam, vở kịch của Kateb Yacine không chỉ lên án bản thân cuộc chiến tranh mà còn chuyển tải một tư tưởng triết học./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục